Bắc Giang: Giá lợn hơi đang tăng, cao nhất 45 nghìn đồng/kg
 BGQHT- Mấy ngày gần đây, giá lợn trên địa bàn tăng nhanh. Mức giá hiện đã đạt 38.000 đến 45.000 đồng/kg, tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 7. 

Ảnh minh họa

Theo ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (TP Bắc Giang), ngày 17-7, Hợp tác xã giết mổ, chế biến thịt lợn hoặc cung cấp lợn hơi với giá 42 nghìn đồng/kg. Đại diện Hợp tác xã Chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên (Tân Yên) đang bán ở mức 40.000 đồng/kg lợn hơi. Một số điểm thu mua, lò mổ bán với giá khoảng 40 nghìn đồng/kg, có nơi 45 nghìn đồng/kg lợn hơi. 

Giá lợn hơi tăng là do thời gian dài, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi không tái đàn khiến quy mô đàn lợn thịt và nguồn cung giảm. Cùng đó, thị trường tiêu thụ lợn lớn là Trung Quốc bị ảnh hưởng của lũ lụt, nhu cầu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch tăng trở lại. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, bà con thận trọng khi tái đàn, cần nâng chất lượng đàn lợn đang có để nâng cao giá trị.
Theo Bảo Khánh/Báo Bắc Giang Điện Tử
Chàng trai Bắc Giang thu nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi ếch
BGQHT - Mạnh dạn chọn hướng đi riêng, anh Giáp Văn Bảo, thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã phát triển trang trại nuôi ếch Thái Lan mang lại thu nhập cao.

Đôi chân đi lại khó khăn do di chứng để lại sau lần bị tại nạn nhưng anh Bảo luôn có ý chí vươn lên. Dẫn chúng tôi đi thăm hai dãy bể nuôi ếch xây bằng gạch, nền láng bê tông, chia thành gần 30 ô riêng biệt ngay trong vườn nhà và hàng chục lồng nuôi ếch dưới ao, anh Bảo kể về cơ duyên đến với nghề.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cơ khí Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, anh khăn gói vào miền Nam làm nhiều nghề khác nhau. Nhưng công việc làm thuê không ổn định, thu nhập thấp lại xa nhà, vì thế anh chẳng dành dụm được là bao.

Vốn năng động, không cam chịu đói nghèo, năm 2008, chàng thanh niên trẻ quay về quê xây dựng gia đình và tìm hướng đi mới phát triển kinh tế. Ban đầu, anh nuôi chim trĩ và nhím nhưng ngay năm đầu tiên, các loại con đặc sản này bị rớt giá, khó tiêu thụ vì thế anh lại chuyển cách làm. Một lần tình cờ được người bạn thân giới thiệu ở tỉnh Thái Bình và Hưng Yên có một số hộ nuôi ếch Thái Lan thành công, anh cất công đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm và liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm. Năm 2010, bằng vốn tích lũy và vay mượn thêm, anh cùng vợ cải tạo, san gạt mảnh vườn để nuôi thử nghiệm 6 nghìn con ếch Thái Lan. Mấy năm gần đây, anh tăng đàn, nuôi hai lứa ếch thương phẩm mỗi năm, quy mô 2-4 vạn con/lứa. Cùng đó, anh mạnh dạn mua 500 cặp ếch bố mẹ về cho sinh sản vừa chủ động con giống vừa cung cấp cho bà con xung quanh. Anh Bảo chia sẻ: “Ếch sinh trưởng, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 18-30 độ C. Để ếch lớn nhanh, con giống đạt tỷ lệ sống cao, tôi che kín các bể bằng lưới đen trên mái để hạn chế ánh nắng mặt trời, sử dụng vòi phun nước tự động để giảm nhiệt độ vào những ngày nắng nóng. Duy trì cho ếch ăn đều đặn 2 lần mỗi ngày bằng các loại ốc nghiền nhỏ trộn với cám gạo và cám công nghiệp, định kỳ sử dụng chế phẩm khử trùng nước ao”.
Mỗi năm, gia đình anh bán gần 50 vạn con ếch giống; 3-4 tấn ếch thương phẩm với giá 40-50 nghìn đồng/kg, lãi gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn đứng ra thu mua, tiêu thụ ếch thương phẩm cho bà con trong huyện. Mới đây, anh nhận chuyển nhượng hơn 10 nghìn m2 đất để mở rộng quy mô nuôi ếch kết hợp thả cá.
Theo Báo Bắc Giang điện tử