Chùa Vĩnh Nghiêm và thiền phái Trúc Lâm một nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt Nam
Truy cập: Tại Đây để thêm chi tiết
1. Chùa Vĩnh Nghiêm - Một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa tiêu biểu ở miền Bắc nước ta
Theo các nguồn tư liệu như bia ký, thư tịch và kết quả điều tra, thám sát khảo học tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa được khởi dụng từ trước thời Lý; đến đời vua Lý Thái Tổ, chùa được xây dựng khang trang hơn với tên gọi chùa Chúc Thánh (hay Chúc Thánh thiền tự), dân gian quen gọi là chùa La hay chùa Đức La. Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạt thiết kế đồ án, lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ngày nay. Chùa được hoàn thành vào năm 1016, vị trụ trì đầu tiên là Thiền Sư Vạn Hạnh, kế tiếp là các vị: Đạo An, Minh Tâm, Bảo Tánh và Huệ Quang.
Quang cảnh sân chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh TTXTDL
Đến đời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm phát triển thành một trong bốn trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm (gồm Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm và Thanh Mai), trở thành một Trung tâm Phật giáo để đào luyện tăng ni cả nước trong suốt gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, được ví như Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đại thừa” tiêu biểu ở miền Bắc nước ta. Cả 3 vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần. Vì thế, suốt nhiều thế kỷ qua, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi để phật tử hành hương về đỉnh Yên Tử huyền thoại, dân gian có câu:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.
Đã có khi nào người ta đặt ra câu hỏi, tại sao khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông lại chọn chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang làm nơi đào luyện tăng ni trong cả nước, là một trong bốn Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm? Thứ nhất là do vị trí lợi thế của ngôi chùa: Tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn); chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử; bao quanh chùa là núi non, trong đó có núi Cô Tiên; bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc. Lí do thứ hai phải kể đến cái duyên của chùa Vĩnh Nghiêm với Trần Nhân Tông khi Ngài còn tại vị: Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi xem xét, kiểm tra các vị thế trọng yếu của đất nước, đi đến vùng Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, ngựa của vua dừng chân, không đi tiếp, Ngài cho đây là một điềm lạ, hỏi những người dân xung quanh mới biết, gần đây có một ngôi chùa cổ rất thiêng, vua cùng đoàn tùy tùng đã đến tham quan ngôi chùa. Cho rằng đây là cái duyên tiền định giữa Ngài và ngôi chùa, Trần Nhân Tông cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, lấy tên là chùa Vĩnh Nghiêm (có nghĩa là mãi mãi tôn nghiêm). Cũng xuất phát từ cái duyên đó, khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang làm nơi đào luyện tăng ni trong cả nước, là một trong bốn Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm.
Có thể nói, từ khi Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông và các đồ đệ chọn chùa Vĩnh Nghiêm làm cơ sở hoằng Pháp, Vĩnh Nghiêm mới đi vào lịch sử gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Khi Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông cùng 2 đệ tử là Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập phái Thiền tông hay còn gọi là dòng thiền Trúc Lâm Tam tổ (là sự kết hợp ba dòng Thiền trước đó: Tỳ ni đa lưu chi, Vô ngôn thông và Thảo đường), mở mang hệ thống chùa tháp dọc theo hai sườn dãy Yên Tử, từ đó lan tỏa xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ thì chùa Vĩnh Nghiêm và vùng Yên Tử trở thành trung tâm đào tạo Tăng tài cho cả nước. Vua Trần Nhân Tông thọ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm đầu tiên, sau đó Pháp Loa kế nhiệm trụ trì; khi Pháp Loa viên tịch, Thiền sư Huyền Quang kế thế thủ tọa, từ đây dòng thiền Trúc Lâm phát triển lớn mạnh. Xuất phát từ chùa Vĩnh Nghiêm, hình thành một giáo hội chính thống, có chủ trương, có tổ chức hành chính, phong hàm giáo phẩm, có điệp đàn Tăng tịch. Lần đầu tiên, Phật giáo có trường đào tạo tu sĩ, có khuynh hướng giáo dục rõ ràng.
Trải qua gần 800 năm lịch sử với bao thăng trầm, cái tên Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại cho đến bây giờ, đúng với ý nghĩa tên gọi của nó. Vĩnh Nghiêm ngày nay đã trở thành trung tâm du lịch tâm linh, có bề dày lịch sử về cơ sở đào tạo Tăng tài đầu tiên của đất nước, có lối kiến trúc đậm nét đặc trưng miền Bắc cổ; nằm ở vị trí non nước hữu tình về mặt cảnh quan, chiếm vị trí địa linh làm nảy nở một dòng Thiền thuần Việt.
Chùa Vĩnh Nghiêm vừa tiếp tục giữ vai trò một trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm, vừa giữ vai trò của chốn tổ để các nơi khác cứ đến ngày 14/2 Âm lịch hàng năm lại đổ về đây làm lễ giỗ tổ. Với sự kiện Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành điểm du lịch tâm linh lý tưởng, là nơi nhân dân cả nước có thể tham quan, chiêm ngưỡng, khám phá và cảm nhận những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo, to lớn của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Giá trị vượt thời gian
Nhà chùa giới thiệu với du khách về kho Mộc bản Kinh phật. Ảnh TTXTDL
Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ khá lâu đời, là kho sách cổ vô cùng quý giá. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là “mộc thư khố”, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm. Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 09 tác phẩm kinh sách, luật giới của phật giáo với 3.050 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta. Từ những ván khắc đó, có thể in ra đủ biên lan, bản tâm, ngư vĩ, thiên đầu, địa cước. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư, nghệ thuật chạm khắc gỗ cũng như lịch sử phát triển của tiếng Việt.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Hán - Nôm, bên cạnh giá trị từ hiện vật bảo tàng, các mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người. Không những thế, những mộc bản này còn là “pho sử” sống động về nghề khắc in mộc bản, tư tưởng và văn hóa, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc.
Ý nghĩa quốc tế:
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là sự đúc kết cô đọng, sâu sắc của Thiền phái Trúc Lâm với tư tưởng thanh thản trong cuộc đời nhiều phong ba bão táp, tự tại trong gian khổ nguy nan, thể hiện chí cả vô cùng, tự phát huy chí dụng nguồn tâm. Tuy đều dựa vào chủ đích “Đả khai và Đốn ngộ” của Thiền tông nhưng những tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm thể hiện sự sáng tạo của người Việt Nam là nêu cao vị trí của người tu hành, dựa vào bản thân để “tu tâm ngộ Phật”.
Những tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhuần sâu sắc và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế thông qua những đóng góp to lớn của các thiền sư có uy tín trong và ngoài nước. Hiện nay, tại Việt Nam có hàng nghìn ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Trên thế giới, thiền viện mang đặc trưng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cũng phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử ở các nước sở tại. Phật tử và nhà tu hành không chỉ là người Việt ở hải ngoại mà còn thu hút đông đảo tăng, ni, Phật tử là người có quốc tịch khác nhau. Tất cả các tăng, ni, Phật tử này đều sùng kính, tu trì theo tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm có trong Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Thêm vào đó, bằng việc lưu giữ những mẫu chữ Nôm cổ, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn chữ Nôm - thứ văn tự riêng của người Việt Nam. Hiện nay, mẫu chữ Nôm trên mộc bản “Thiền tông bản hạnh” trong bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được sử dụng để cài trên máy tính, được phổ biến trên toàn thế giới. Bất cứ ai học tập, nghiên cứu chữ Nôm Việt Nam trên thế giới đều được tiếp cận và sử dụng để tìm hiểu giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ.
Nhận thức được những giá trị to lớn của bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, những năm gần đây, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng kho Mộc bản kinh Phật và kiểm kê, sắp xếp theo thứ tự khoa học nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo tồn kho Mộc bản. Sự kiện Bắc Giang đón nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 06, 07 tháng 10 năm 2012 đã thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Bắc Giang nói chung, chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản nói riêng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh của tỉnh, huyện, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lạng Sơn; Hải Dương, Quảng Ninh,…
2. Thiền phái Trúc Lâm - niềm tự hào của văn hóa Việt Nam
Vĩnh Nghiêm vào mùa lễ hội. Ảnh TTXTDL
2.1. Giá trị của Phật giáo Việt Nam
Là tôn giáo du nhập sớm nhất vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng thích ứng với các yếu tố tín ngưỡng bản địa, với phong tục tập quán và lối sống của người Việt Nam. Và do đó, Phật giáo đã tìm được chỗ đứng vững chắc trong mọi mặt đời sống xã hội, cũng như có đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa và để lại dấu ấn sâu đậm trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Theo số liệu thống kê của Cục Di sản văn hóa, tính đến cuối năm 2011, cả nước ta có 767 ngôi chùa trên tổng số 3.167 dic tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Nhà khoa học Albert Einstein đã nhận xét về giá trị vượt trội của Phật giáo trong thời đại hiện nay: “Nếu có một tôn giáo nào đó đương đầu được với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học, Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt quá khoa học. Phật giáo là chiếc cầu nối liền tôn giáo với các tư tưởng khoa học, cây cầu Phật giáo đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu bên trong chính con người và môi trường sống xung quanh, Phật giáo vượt thời gian và mãi mãi có giá trị”.
Ở Việt Nam, Phật giáo cũng dung nạp được với Nho và Lão tạo thành “Tam giáo đồng nguyên”, “thiết chế tôn giáo tiền Phật hậu Thánh hoặc tiền Thánh hậu Phật”. Phật giáo Việt Nam đã duy trì được sự chung sống hòa bình với gần như tất cả các tôn giáo lớn của nhân loại có mặt ở Việt Nam.
Có thể nói Phật giáo đã góp phần tạo nên nét đa dạng trong văn hóa Việt Nam, và trong chừng mực nào đó Phật giáo đã trở thành yếu tố máu thịt của văn hóa dân tộc, đóng vai trò là thứ “phễu lọc” văn hóa, điểm tựa tâm linh cho người Việt Nam chống lại sự đồng hóa của hệ tư tưởng Nho giáo Trung Hoa trong suốt thời kỳ Bắc thuộc cũng như sau này.
1.2. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam
Trúc Lâm là thiền phái bản địa đầu tiên của Việt Nam đã thực hiện thành công việc “Việt Nam hóa” các thiền phái ngoại nhập phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Thiền phái Trúc Lâm đã dung hội được cả ba thiền phái của Ấn Độ và Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam (Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông và Thiền phái Thảo Đường) đặt nền móng cho việc xây dựng và củng cố Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất theo phương châm của Trần Nhân Tông “Chưa rõ thì chia làm ba giáo, hiểu rồi thì cùng một ngộ tâm”. Điểu đó chứng tỏ, Thiền phái Trúc Lâm dung dưỡng được các yếu tố Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, triết lý Nho giáo và đạo Lão, đồng thời kế thừa và sáng tạo tư tưởng thiền học của các thiền sư Việt Nam mà tiêu biểu là từ Trần Thái Tông và sư phụ là Tuệ Trung thượng sĩ. “Từ tư tưởng thiền tùy tục của Thường Chiếu đến biện tâm của Trần Thái Tông tiến tới hòa quang đồng trần của Thượng sĩ sau cùng là tùy duyên lạc đạo của Trần Nhân Tông”.
Điều đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi Trần Nhân Tông- một ông vua đương triều đã bỏ lại ngai vàng và quyền lực vào núi Yên Tử tu hành rồi chứng ngộ thành Đệ nhất Tổ. Ở Trần Nhân Tông, chúng ta tìm thấy phẩm chất siêu đẳng của một nhân cách lớn, tấm gương đạo đức trong sáng có sức hấp dẫn tới đông đảo công chúng và phật tử đương thời.
Thiền phái Trúc Lâm ra đời đáp ứng được yêu cầu lịch sử đặt ra là phải có hệ tư tưởng độc lập với Trung Hoa, làm chỗ dựa tinh thần để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc – sức mạnh của tinh thần Đại Việt. Do đó chúng ta đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử là dựng nước, giữ nước và mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm luôn tuân thủ triết lý nhập thế Phật giáo, góp phần xây dựng nhà nước Đại Việt, tham gia “vào gánh vác việc đời, không xa lánh cõi đời”. Bằng tinh thần nhập thế tích cực, các thiền sư Trúc Lâm đã dùng Phật giáo làm phương tiện phò Vua, giúp nước và cứu người. Tinh thần “nhập thế” của Trúc Lâm tam tổ là gắn “đạo với đời” làm cho Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc. Với triết lý nhân văn đó, Thiền phái Trúc Lâm đã dung hợp được hai yếu tố “bác học” và “dân gian”, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội. Đó là một thiền phái Phật giáo mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành “máu thịt của văn hóa Việt Nam. Thực tế lịch sử Đại Việt cho thấy, tư tưởng triết lý của Thiền phái Trúc Lâm là tu dưỡng thân tâm mình để phụng sự lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng, đất nước có độc lập thì Phật giáo mới có điều kiện hưng thịnh.
Các vị tổ Trúc Lâm đã giản lược hóa việc tu tập mà không câu nệ vào nghi thức. “Bụt ở trong nhà, chẳng phải xa”, “tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; óc đã là tính sáng soi, mưa phải nhọc nhằn tìm về cực lạc” hay như “biết chân thư, tin bát nhã, chớ còn tìm Phật tổ Tây Đông; chứng thực tướng nên vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiên Nam Bắc”. Thiền phái Trúc Lâm không phân biệt tu sĩ tu ở chùa và cư sĩ tu tại gia. Cả hai hình thức tu tập đều hướng đến mục tiêu chung là tìm lại, thức tỉnh “bản tính Phật” trong tâm của từng cá nhân bằng cách thực hành từ bi và trí tuệ.
Trúc Lâm là một thiền phái thuần Việt, do một vị minh quân người Việt – Trần Nhân Tông sáng lập ra, trên cơ sở kế thừa tư tưởng thiền học của các thiền sư danh tiếng, đức cao, vọng trọng của Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Có thể coi đây là một thành tựu văn hóa lớn của Việt Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của nhân loại nói chung và Phật giáo thế giới nói riêng./.
Theo Dương Văn Quang
Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
ADMIN #ĐQN tổng hợp