Về đất thiêng Yên Thế nghe huyền thoại Đề Thám
Xem thêm Tại Đây
Tôi sinh ra và lớn lên tại Tân Trào lịch sử - thành phố Tuyên Quang, vì nhiều cơ duyên mà tìm đến với Bắc Giang, với vùng đất thiêng Yên Thế, để rồi đắm chìm vào huyền thoại lịch sử Hoàng Hoa Thám lúc nào không hay.
Di tích thành lũy Phồn Xương. Ảnh: Thế Đại
|
Những ngày đầu xuân mới, thị trấn Cầu Gồ nhỏ bé náo nhiệt với cờ hoa, âm thanh, ánh sáng và dòng người đông đúc như trảy hội...
Đi trên phố Hoàng Hoa Thám, phố Bà Ba (bà Ba Cẩn, vợ ba Hoàng Hoa Thám), đường Cả Trọng, Cả Dinh… tôi hòa vào dòng người tìm đến đền Thề (nơi thờ Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân Yên Thế) để tìm một khoảng lặng linh thiêng, đượm trầm hương và lòng thành kính dâng lên người Anh hùng dân tộc Đề Thám.
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu đứng dưới chân tượng đài Hoàng Hoa Thám bằng đồng đặt giữa trung tâm thị trấn Cầu Gồ, bức tượng lột tả được khí phách của "Hùm xám Yên Thế".
Trong thời gian lưu lại Cầu Gồ, tôi có dịp tham quan cụm di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám. Đồn Phồn Xương được đắp bằng đất, tường cũ rêu phong. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng vào năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo để đi vào căn cứ của nghĩa quân. Sau khi tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Pháp đã cho san phẳng đồn Phồn Xương. Sau này chính quyền địa phương đã cho dựng và phục chế lại. Nhà trưng bày khởi nghĩa nằm ngay sau tượng đài Đề Thám, nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật... liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế và các sản vật, tài nguyên quý của địa phương.
Các hiện vật trong hai tầng nhà trưng bày được bài trí khá công phu, khoa học, từ cái bát ăn cơm, lá cờ trong lễ tế cờ, cái giáo cái mác, cho đến những sa bàn trận đánh của nghĩa quân Yên Thế với thực dân Pháp... giúp du khách dễ dàng hình dung lại một giai đoạn lịch sử đấu tranh và xây dựng thị trấn của nhân dân Yên Thế.
Võ sư Trịnh Như Quân biểu diễn sáo trúc tại Lễ hội Yên Thế.
|
Tuy nhiên, ngôi nhà vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và sưu tầm thêm các di vật lịch sử nên còn thiếu nhiều hiện vật, tranh ảnh về cuộc khởi nghĩa. Hiện nay, di chứng lịch sử được quan tâm nhiều nhất đó là thi hài của nghĩa quân và Hoàng Hoa Thám ở đâu? Ẩn số này được giải đáp chắc chắn sẽ cung cấp thêm cho nhà trưng bày những di vật lịch vật vô cùng quý giá.
Đêm nghỉ tại Yên Thế, tôi xin vào ở trọ nhà dân để tiện tìm hiểu thêm những thông tin về vùng đất, con người lớp con cháu cụ Đề hôm nay. Buổi tối hôm ấy, tôi ngủ cùng cụ bà Nguyễn Thị Ngọ - 95 tuổi, người gốc Yên Thế. Cụ còn rất minh mẫn và giống như "nhà nghiên cứu dân gian" về Hoàng Hoa Thám vậy! Cụ bảo: "Năm nào ngày Tết, hay dịp hội, tôi cũng đi lễ ở đền Thề và đền bà Ba - hai ngôi đền linh thiêng nhất của thị trấn này".
Bàn tay cụ Ngọ gầy guộc run run, đôi mắt in hằn đậm vết thời gian nhưng ánh mắt thì sáng lên khi nói về Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế. Cụ kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện về Đề Thám, chuyện lịch sử đan xen với truyền thuyết, chuyện từ khi Đề Thám thay Đề Nắm lãnh đạo nghĩa quân, chuyện các cuộc đánh lớn và hai lần hòa hoãn với Pháp, những trận đánh, đấu mưu trí của Đề Thám với giặc.
Cụ còn lý giải tại sao hội Yên Thế năm nào cũng có mưa: "Vì giặc đuổi đánh, Đề Thám trốn lên chùa Lèo và được nhà sư trụ trì cưu mang. Quân địch lấy rơm, củi chất xung quanh để đốt chùa, trời thương ông Đề làm việc có nghĩa nên đổ mưa dập tắt lửa, vì thế giặc không thể giết được Đề Thám...".
Đã từng một lần lên Yên Thế vào dịp hội, tôi được biết không khí lễ hội ở đây thiêng liêng đến mức nào. Ba hồi chiêng, tiếp nối ba hồi trống vang lên bắt đầu phần tế lễ. Lúc đó tôi cảm nhận thấy lồng ngực mình rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống của những trận đánh năm xưa của cụ Đề và các nghĩa quân Yên Thế.
Biểu diễn võ sáo tại lễ hội Yên Thế. Ảnh: Việt Hưng
|
Thật cảm động khi chứng kiến màn hùng ca hào sảng tái hiện quá trình khởi nghĩa của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và cuộc sống của con cháu họ Hoàng hôm nay với nhiều cung bậc cảm xúc khiến tôi quên mất mình là du khách, cứ ngỡ mình như một người con cháu của cụ Đề mà sống lại năm xưa, bên tai vang vang lời hịch của "Người trăm năm cũ".
Khi trực tiếp thưởng thức môn Võ sáo do các võ sư thể hiện, tôi mới hiểu được phần nào giá trị môn võ nghệ thuật này. Cây sáo sắt dài tương đương cây mã tấu được võ sư Trịnh Như Quân nâng nhẹ nhàng, tiếng sáo lúc khoan nhặt, lúc dồn dập, khi cương khi nhu, uyển chuyển nhịp nhàng.
Trên nền nhạc sáo, Võ sư Nguyễn Quý Toàn biểu diễn bài võ "Bóng trăng Phồn Xương" điêu luyện, đầy đam mê. Một di sản quý đáng trân trọng như vậy nếu được quan tâm đầu tư, mài rũa, quảng bá và "truyền nhân" xứng đáng, tôi nghĩ nó không chỉ giới hạn ở Yên Thế mà sẽ là niềm tự hào cho cả người dân Việt Nam.
Yên Thế có núi non trùng điệp, cảnh hồ yên ả, không khí trong lành nay còn nổi tiếng thương hiệu gà đồi cùng những cánh rừng kinh tế xanh tươi. Tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa lịch sử đầy hứa hẹn nơi vùng đất này. Những người tôi gặp nơi đất này luôn trân trọng, tự hào về lịch sử của cha ông, đang lặng thầm cống hiến làm đẹp cho quê hương, làm vẻ vang danh thơm Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế!
Trịnh Diệu Linh (Báo Bắc Giang)
Ad #ĐQN Tổng hợp