Dấu ấn văn hóa lễ hội đình Vồng - Tân Yên - Bắc Giang

Dấu ấn văn hóa lễ hội đình Vồng - Tân Yên - Bắc Giang

Xem thêm Tại Đây

Đã từ lâu, lễ hội đã trở thành một nhu cầu về tinh thần, một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống nhân dân mỗi khi Tết đến xuân về. Cùng với nhiều lễ hội khác, lễ hội đình Vồng ở xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) luôn tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần của vùng đất Yên Thế xưa.
 
Đình Vồng được xây dựng vào năm 1704. Khu di tích có đền thờ vua Bà, đền thờ đức Thánh Cao Sơn-Quý Minh và 18 vị Quận công họ Dương thời nhà Mạc. Thời chống Pháp, nhiều thủ lĩnh phong trào  nông dân Yên Thế thường về đây tế cờ, xin thần linh phù hộ để làm lễ xuất quân. Năm 2012, cụm di tích Cầu Vồng (gồm đình, chùa, đền, nghè Vồng) được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế.

Lễ hội đình Vồng được hình thành từ hàng trăm năm trước. Hàng năm, Hội được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng Giêng với các nghi lễ rước sắc về đình ,nghi thức tế lễ trang trọng diễn ra ngay ở sân đình. 

Ấn tượng nhất và đặc sắc nhất trong lễ hội đình Vồng là lễ tế ngựa truyền thống với bài tế độc đáo mang đậm tinh thần thượng võ, tái hiện nét đẹp văn hóa cổ truyền của vùng đất và con người Cầu Vồng vào những năm 1890. 
Tái hiện lễ tế ngựa

Trong lễ tế ngựa, lễ vật dâng lên là những sản vật được làm ra từ bàn tay khéo léo của nhân dân địa phương như bánh chưng, bánh dày, rượu trắng. Ngoài ra trong lễ tế còn có nước và lửa. 
Khi văn tế đã hoàn tất, lời cầu nguyện của muôn dân được linh ứng, chủ tế thực hiện nghi thức hóa lễ để gửi đến thánh thần những ước nguyện và lòng thành kính của muôn dân. Tiếp đến là màn biểu diễn vật thờ, một môn thể thao được hình thành từ rất sớm của dân tộc, tái hiện tinh thần thượng võ của trai Cầu Vồng Yên Thế. 
Dâng lễ vật trong lễ tế ngựa

Sau các nghi lễ trang trọng, các đoàn đại biểu dâng hương trong đình. Ngoài các đại biểu của tỉnh, huyện và du khách thập phương đến thắp hương tại đình, còn có 13 mâm lễ của 13 đoàn đại diện cho 13 thôn của xã, cùng đó là lễ của dòng họ Dương.

Trong lễ hội đình Vồng nhiều môn thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, thi nấu cơm, đập niêu, đu quay, bắn cung, cướp cầu...được diễn ra mang những nét riêng biệt trong đời sống văn hóa của vùng đất Cầu Vồng Yên Thế xưa.
Môn vật tại lễ hội đình Vồng

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, song lễ hội đình Vồng đã tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần của vùng đất Yên Thế xưa, đồng thời biểu dương sức mạnh của cộng đồng làng xã, tạo sự gắn kết mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, góp phần giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
                                                                                     Theo Công Doanh- Văn Vĩnh (Báo Bắc Giang)
Admin #ĐQN Tổng hợp