Hiệp Hòa (Bắc Giang) có Đình Lỗ Hạnh – Đệ nhất Kinh Bắc
[BG24h] - Đình Đông Lỗ còn có tên gọi là Đình Lỗ Hạnh, thuộc làng Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa. Đây là ngôi Đình cổ có niên hiệu sớm nhất vùng Kinh Bắc xưa- Bắc Giang ngày nay. Đình được khởi dựng thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVI (1576) đã được các triều đại phong kiến ban nhiều sắc phong và lưu truyền với danh xưng là “Đệ nhất Kinh Bắc”.
Toàn cảnh Đình Lỗ Hạnh
Theo quan đám Đặng Nghiệp Dư (người đang trông coi ở đây): Hiện Đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Hai bức tranh sơn mài “Bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung; đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17; tượng Phương Dung Tiên Chúa cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương.... Đáng chú ý là bức chạm tiên gảy đàn đáy đã minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở vùng đất này.
Một  góc ngôi  Đình
Lúc đầu Đình chỉ là một nhà tòa, nay qua nhiều lần tu sửa, Đình được xây thêm hậu cung và hai dãy tả, hữu. Ngày 24/12/1982, Đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hóa (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Các vì kèo trong Đình được chạm khắc tinh xảo, sống động
Hoa văn chạm khắc Đình Lỗ Hạnh được xem là rất đặc sắc, hiếm nơi có được. Đầu dư chạm rồng như chui từ cột ra. Theo các nhà nghiên cứu, đây là dấu ấn rồng thời Mạc. Các con vật khác như ly, quy, phượng, hươu, cá... rất sống động như tự nhiên. Những bức tranh trúc hóa long, long hóa trúc, rồng hóa mây, mây hóa rồng, cá hóa rồng, rồng hóa cá… hàm chứa tính huyền thoại, đòi hỏi trí tưởng tượng cao cùng với nghệ thuật khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc dân gian xưa…
Bức chạm tiên gảy đàn đáy
Trong các tác phẩm phù điêu và tranh sơn mài, các nghệ nhân bố cục rất hợp lý giữa các đề tài vào những vị trí thích hợp trong nội thất ngôi Đình. Những hình tượng rồng trong mây, tiên cưỡi rồng, tiên cưỡi phượng, các thiếu nữ múa râu rồng… mang đậm phong cách của nghệ thuật dân gian là sự bứt phá trong tư tưởng và nghệ thuật ở thế kỷ XVI một cách tinh tế. Thể hiện cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của người dân nơi làng quê thôn dã và ước vọng vươn tới “Chân- Thiện- Mỹ”.

Hai bức tranh sơn mài "Bát tiên" ở Đình
Đặc biệt, bộ tranh “Bát tiên” với 8 nàng tiên đứng trên mây tỏa, mỗi cô mang một thứ nhạc cụ sáo, nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Dáng điệu các cô đứng tự nhiên, thanh thoát. Mặt trái xoan hơi quay nghiêng, mắt lá răm, mũi thanh, môi chúm chím. Tách từng cô một cũng thành bức tranh. Để nguyên bốn cô một bên, trông nhịp nhàng như một ban nhạc đang tấu thờ Thánh. Bộ tố nữ tám nàng này không chỉ vẽ bằng mấy màu sơn mỹ nghệ truyền thống như: Son, vàng, then.... mà còn dùng thêm các màu sơn xanh, xanh đen, tím, trắng, trắng hồng.... đầy chất hội họa.

Một buổi biểu diễn ca trù tại Đình


Theo Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Hồng, hiện Đình là nơi thờ cúng, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân trong xã. Tại đây nhiều lớp ca trù đã được đào tạo và là nơi biểu diễn của các câu lạc bộ ca trù mỗi dịp lễ hội hay khi Tết đến Xuân về. Hằng năm vào các ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng, UBND xã tổ chức lễ hội Đình Lỗ Hạnh thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dự.
Theo Ngô Thanh/BGĐT