Xác nhận kỷ lục Việt Nam đối với chương trình truyền dạy quan họ tại Việt Yên (Bắc Giang)
Tối 21/7/2018, tại Quảng trường Trung tâm huyện Việt Yên (Bắc Giang), UBND huyện Việt Yên phối hợp với Công ty cổ phần Bagico tổ chức đêm Gala kỷ niệm 10 năm Trại hè Bagico (2009 - 2018).
Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam trao chứng nhận cho đại diện UBND huyện Việt Yên và đại diện Công ty cổ phần Bagico

Trong đêm Gala, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã vinh danh Kỷ lục Việt Nam về “Chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ cho thiếu nhi diễn ra liên tục trong nhiều năm nhất” cho UBND huyện Việt Yên và Công ty cổ phần Bagico. Dịp này, 18 cá nhân của huyện Việt Yên cũng vinh dự nhận Bằng khen của T.Ư Đoàn, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 6 cá nhân nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì đã có thành tích xuất sắc.

Trại hè BAGICO là sáng kiến của Công ty cổ phần BAGICO và Huyện đoàn và Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Việt Yên chính thức ra đời vào mùa hè năm 2008. Hằng năm cứ vào dịp hè, Công ty cổ phần BAGICO lại phối hợp với Huyện đoàn và Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Việt Yên mở một trại hè thiếu nhi, sinh hoạt tại Nhà văn hóa huyện.

Tại đây các em học sinh từ 5-18 tuổi đến từ các xã trong và ngoài huyện được tham gia miễn phí lớp học “Em yêu làn điệu dân ca quan họ”. Mọi kinh phí cho lớp học do Công ty cổ phần BAGICO tài trợ toàn bộ. Lớp học kéo dài trong vòng 2 tháng với khoảng 40 buổi học. Tham gia lớp học này, các em được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng trình diễn, lời ca quan họ mới và các làn điệu cổ. Kết thúc khóa học, các em được tham dự một buổi biểu diễn báo cáo kết quả trong quá trình học tập.

Qua 10 năm tổ chức thành công, thông qua Trại hè Bagico đã có hơn 2.000 thiếu nhi huyện Việt Yên cùng các huyện lân cận được truyền dạy quan họ miễn phí. Đây là sân chơi bổ ích cho các em trong kỳ nghỉ hè, cũng là hoạt động thiết thực nhằm chung tay truyền dạy, bảo tồn, quảng bá tạo sức lan tỏa của di sản văn hóa quan họ.
Theo Hoài Nam/GDTĐ
Việt Yên tổ chức Gala kỷ niệm 10 năm Trại hè Bagico và Hội trại hè thanh thiếu nhi
Đêm 21/07/2018, tại Quảng trường Trung tâm huyện Việt Yên (Bắc Giang), UBND huyện Việt Yên phối hợp với Công ty cổ phần Bagico tổ chức chương trình đêm Gala  kỷ niệm 10 năm Trại hè Bagico (2009 - 2018) và Hội trại thanh thiếu nhi huyện Việt Yên năm 2018.
Một tiết mục văn nghệ tại đêm Gala. 

Tới dự có các đồng chí: Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của T.Ư, của tỉnh và huyện Việt Yên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. 

Với chủ đề “Thanh niên Việt Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”, Gala kỷ niệm 10 năm Trại hè Bagico và Hội trại thanh thiếu nhi huyện Việt Yên nêu cao vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong xây dựng huyện Việt Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bắc Giang.

Mở đầu đêm Gala là chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7; một số tiết mục văn nghệ do các nghệ nhân quan họ cùng với học sinh lớp học “Em yêu làn điệu dân ca quan họ” biểu diễn. 
Trong 10 năm qua, Công ty cổ phần Bagico phối hợp với Trung tâm văn hoá huyện, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức thành công 10 lần Trại hè Bagico. Thông qua Trại hè Bagico đã có hơn 2.000 thiếu nhi huyện Việt Yên cùng các huyện lân cận được truyền dạy quan họ miễn phí. Hằng năm, duy trì và tổ chức Hội thi “Em yêu làn điệu dân ca”, các câu lạc bộ kỹ năng sống, tiếng Anh, võ thuật được thành lập tạo sân chơi bổ ích cho thiếu nhi, góp phần bảo tồn và phát triển dân ca quan họ.
Đại diện UBND huyện Việt Yên và bà Nguyễn Thị  Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bagico được vinh danh Kỷ lục gia Việt Nam về “Chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ cho thiếu nhi diễn ra liên tục trong thời gian dài nhất". 

Nhân dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh Kỷ lục gia Việt Nam về “Chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ cho thiếu nhi diễn ra liên tục trong thời gian dài nhất” cho UBND huyện Việt Yên và bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bagico; trao Bằng khen của T.Ư Đoàn, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 18 cá nhân; trao Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho 6 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Theo Báo Bắc Giang
Nhiều cán bộ Sở TN-MT Bắc Giang đi du lịch Châu Âu bằng tiền doanh nghiệp tài trợ?
Trao đổi với PV Dân trí ngày 16/7, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, sẽ giao cơ quan chức năng làm rõ thông tin nhiều cán bộ, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh này đi du lịch Châu Âu nhiều ngày bằng tiền của một doanh nghiệp lớn trên địa bàn tài trợ.
Ông Vũ Văn Tưởng (đội mũ đỏ) cùng nhiều cán bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang khi du lịch qua nước Pháp.


Thời gian gần đây dư luận tỉnh Bắc Giang xôn xao việc có nhiều lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này đi du lịch nhiều nước Châu Âu trong thời gian dài bằng tiền tài trợ của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn - một doanh nghiệp rất lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chuyên về lĩnh vực xây dựng.
Trong đoàn đi du lịch Châu Âu gần nhất có ông Vũ Văn Tưởng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, ông Vũ Văn Hữu - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bắc Giang (trực thuộc Sở này) và một số lãnh đạo các đơn vị khác.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn thừa nhận doanh nghiệp này đã tài trợ cho chuyến đi du lịch qua vài nước Châu Âu của các cán bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang với kinh phí ước tính hết khoảng “vài chục triệu đồng” cho mỗi người.

Theo ông Sơn, việc tài trợ đi du lịch Châu Âu xuất phát từ việc doanh nghiệp “nhiều lúc có những tình cảm riêng” với cán bộ sau một năm công tác, làm việc vất vả.

Ông Sơn cũng xác nhận trong đoàn đi du lịch Châu Âu gần đây nhất do doanh nghiệp này tài trợ có ông Vũ Văn Hữu - “cháu đằng nhà vợ” của ông Sơn.

Đáng chú ý, theo Quyết định số 358/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang quy định quản lý và trình tự, thủ tục xuất cảnh đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thì “không bố trí từ 2 cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo của một cơ quan, đơn vị trở lên cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài… Không được tham gia các đoàn đi công tác nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền”.

Sau khi xem xong nội dung của Quyết định 358/QĐ-UBND, ông Ngô Văn Sơn nói: “Doanh nghiệp chưa nghĩ đến các tiêu chuẩn và chưa hiểu hết bởi không đọc hết tất cả các văn bản, chưa hiểu hết việc tài trợ đúng hay sai”. Ông Sơn khẳng định nếu biết việc tài trợ cho cán bộ đi nước ngoài như thế này là sai thì đã không làm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định sẽ giao các ngành làm rõ thông tin nhiều lãnh đạo, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đi du lịch Châu Âu bằng tiền doanh nghiệp tài trợ.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang lại khẳng định mình đi du lịch Châu Âu bằng kinh phí tự túc, còn những cán bộ khác trong đoàn thì ông không biết (?!).

“Tôi thuộc diện Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh cho văn bản riêng (đi du lịch Châu Âu - PV) ”-ông Tưởng nói.

Trái lại, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh khẳng định với PV Dân trí rằng không hề biết việc đi du lịch Châu Âu của nhiều cán bộ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này.

Ông Linh nhấn mạnh việc không ký văn bản nào cho lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đi du lịch nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp tài trợ, đài thọ bởi “việc này nhà nước cấm”. Tuy nhiên đối với các cán bộ khác thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì ông chưa nắm được.

“Tôi sẽ giao các ngành kiểm tra, xem lại việc này”- Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho hay.

Ông Lưu Xuân Vượng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang lại đánh giá việc đi du lịch của các cán bộ dưới quyền là “chuyện riêng tư” và không vi phạm pháp luật (?!).

Khi chúng tôi đề nghị cung cấp các văn bản, quyết định cho phép cán bộ đi du lịch Châu Âu nhiều ngày trong thời gian vừa qua thì đại diện, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang từ chối (!?).


Theo Thế Kha/Dân trí
Làng “nói phét gia truyền” ở Bắc Giang
Những ngày trưa nắng tháng 7, chúng tôi có dịp về xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nơi một thời nổi danh về thói nói phét bằng ca từ đậm chất văn thơ.
Thói “nói phét gia truyền” chắc hiếm người nghe. Ấy vậy, ở làng Dương Sơn (xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), cái tiếng “ăn no, nói phét, người cười rụng răng” đã có một thời vàng kim, nổi danh khắp miền Bắc.
Cụ Vũ Văn Lập - người hiếm hoi của làng Dương Sơn nói phét có ca từ kể lại những câu chuyện cười


Nghe chuyện trong làng nói phét

Những ngày trưa nắng tháng 7, chúng tôi có dịp về xã Liên Sơn, nơi một thời nổi danh về thói nói phét bằng ca từ đậm chất văn thơ. Trên con đường dẫn vào làng Dương Sơn, chúng tôi gặp một cụ bà chừng 80 tuổi đang rửa thúng ngay bờ ao làng, tôi đánh liều hỏi: “Thưa cụ, đây có phải làng nói phét không ạ?”. Ngước nhìn người lạ với ánh mắt nghiêm nghị: “Ai bảo anh ở đây nói phét. Vào đây mà cứ bô bô cái miệng, vu oan nói phét là thanh niên ra úp sọt, đánh hội đồng đấy”.

Tôi cố giải thích: “Lâu nay con vẫn nghe câu Hoà Làng nói phét có ca - Dương Sơn nói phét bằng ba Hoà Làng. Thế có đúng không vậy cụ?”. Cụ ra dấu nói nhỏ: “Cẩn thận dân Hòa Làng sang vây bắt lại không ai can ngăn, mau đi đi, thừa hơi đến đây gây sự à?”. Giọng nói bình thản cùng nét mặt tỉnh bơ của cụ khiến tôi gai sống lưng, định quay xe ra khỏi làng.
Bất giác nhìn sang gốc cây bàng cổ thụ, thấy mấy thanh niên tủm tỉm cười, tôi mới hiểu ra vừa được cụ bà cho ăn quả lỡm. Vỗ đùi, cười khoái chí, cụ bà nói: “Muốn nghe nói phét văn ca thì tìm ông Lập bên thôn Chiềng. Ông ấy mà không nói phét thì bị ốm ngay”.

Lúc này, cụ bà gọi một thanh niên đến để cho tôi số điện thoại của cụ Lập rồi dặn: “Trước khi đến thì gọi cho ông ấy một tiếng. Phải nói là đến mua mật ong vì ông bán mật, chứ nói đến chơi thì không gặp đâu. Nghe chửa?”.

Tin lời cụ, tôi bắt máy gọi và nói như lời cụ bà khuyên. Phía bên kia cuộc gọi, giọng nói của cụ Lập hào sảng: “Lại nghe mấy bà bên thôn Húng nói hả, sang đây cho mật ong chứ ông không bán”. Thế là một lần nữa tôi được ăn “quả lỡm” của cụ bà.

Gặp cụ Vũ Văn Lập (81 tuổi, trú tại thôn Chiềng, xã Liên Sơn) ngay tại kênh mương sát ruộng thôn Chiềng. Trên tay cầm khúc gậy, đôi chân đi ủng dính bùn. Tôi hỏi: “Thưa, cụ đi làm đồng về ạ?”. Cụ Lập trả lời ngay: “Tôi đi câu cá, một con cá rô dính lưỡi. Nó quẫy ghê quá. Giằng co nhau mà đuôi cá phá nát mất sào mạ. Tôi phải về lấy cái cào năm đinh ra để hạ nó. Nhất định có bữa chiều khao cả làng”. Hỏi ra mới biết, đứa cháu nhỏ cùng cụ đi bắt cá, vô tình dẫm dập mạ non nên cứ cho là lỗi do con cá quẫy mạnh. 

Cụ Lập cho biết, người làng Dương Sơn mang tiếng nói phét nhưng không đi lừa đảo, làm việc xấu. Những câu chuyện, sự việc chỉ được nói quá lên mang tính giải trí, nghe rồi mới ngẫm ra là đúng. Cụ Lập ví dụ, trước kia các cụ trong làng thường kể cho con cháu nghe: “Dân Dương Sơn có thể bắt được quan tây, quan tàu - bỏ mũ, xuống ngựa, cúi đầu chào dân - Dân ưng, dân chịu mới cho vào làng”. Thoáng nghe thì ai cũng bảo nói phét, nhưng luận ra thì trước đây cổng làng Dương Sơn nhỏ, thấp nên quan muốn vào làng phải bỏ mũ hoặc xuống ngựa đi bộ mới vào được bên trong.

Hay như câu chuyện phét về việc bán mật ong của cụ Lập được người dân nơi đây truyền tai:

“Ổ ong một ngày thu được vạn can
Ong no bụng quá xếp hàng đùa nhau
Mật vàng như thể vàng thau
Mời nhau một giọt, mười năm sau vẫn thèm
Thư cảm ơn còn nhiều hơn tiền mặt
Cứ mỗi ngày, mấy chục vạn lá thư
Từ Mỹ, Nga, Trung Hoa, Anh, Pháp
Qua Nhật, Hàn, giáp Đại Tây Dương
Mật ngon xuất khẩu bốn phương
Làm giàu chính đáng, cụ Lập ấm no”.

Hỏi ra mới biết, cụ Lập nuôi và bán mật ong, nhiều người trong xã đi xuất khẩu lao động nên có ghé qua mua rồi mang ra nước ngoài. Vậy nên, việc cụ Lập xuất khẩu mật ong cũng “không sai”.

Thời “hoàng kim” của làng cười

Theo cụ Lập, người làm vang danh làng Dương Sơn nói phét là cụ Cả Tam, cụ đã mất cách đây 30 năm. Thuở còn nhỏ, những đứa trẻ chăn trâu như cụ Lập được cụ Cả Tam kể nhiều câu chuyện hài hước mang chất liệu dân ca, thơ vè và tất nhiên đều “phét”, nghe nhiều thành quen, rồi thấm. “Cụ Cả Tam hay ra Hội quán Dương Sơn để kể chuyện phét cho người dân nghe. Dù không có văn bằng chứng chỉ nào công nhận, nhưng cụ được làng phong “nghệ nhân” nói phét hay “trạng bố”, cụ Lập cho biết.

Chuyện của cụ Cả Tam đã thành giai thoại ở Dương Sơn. Một trưa hè, ngồi với mấy người trong thôn, cụ Cả Tam muốn khoe tai mình thính mới kể rằng: “Thời đánh Mỹ, bọn phi công nó ném bom ta nên cho máy bay bay thấp lắm. Có lần tôi đang đi làm đồng, tàu bay Mỹ bay qua đỉnh đầu, tôi còn nghe bọn phi công nó nói chuyện rầm rầm với nhau”.

Rồi cụ khoe tài săn bắn: “Tôi vác cung đi săn. Bắn một phát tên trúng bụng con hươu cái, trúng dái con hươu đực, trúng ức con hươu con. Ba con chết co tròn một đống”. Mới nghe chuyện đã thấy cụ nói khoác, nhưng ngẫm lại cũng có lý bởi con hươu có mang, thai của hươu thường là một đực một cái, nằm giở đầu đuôi và còn trong bụng nên “co tròn một đống” là đúng rồi.

Khi được hỏi về câu dân gian: “Hoà Làng nói phét có ca - Dương Sơn nói phét bằng ba Hoà Làng”, cụ Lập cho biết, từ xa xưa đã có sự so sánh giữa 2 làng nói phét nổi tiếng ở Bắc Giang là Dương Sơn và Hoà Làng. 2 ngôi làng này cách nhau một quả đồi. Người dân làng nào cũng cho rằng người làng mình có tài nói phét giỏi hơn cả. Ấy thế mới có những câu chuyện tranh tài nói phét. Như chuyện người Dương Sơn và Hoà Làng khoe vợ mình da trắng. Người Hòa Làng nói:

 - “Da vợ mình thật trắng khủng trắng khiếp, trắng từ chân lên đến cổ. Cô ấy mà xắn quần lên thì thôi, ai muốn gọi là đùi cũng được, ai muốn gọi là khúc sắn bóc vỏ cũng được”.

Người Dương Sơn lại nói:

- “Thế đâu đã trắng bằng vợ tớ. Tớ nhớ, hồi máy bay Mỹ còn đánh phá khắp nơi, hôm ấy vợ mình đi ăn cưới, cô ấy diện chiếc áo pôpơlin Nhật trắng, mới nguyên. Đang đi giữa cánh đồng thì nghe tiếng máy bay, cô ta đang trên đường chạy tới bờ mương để nấp thì những người ở dưới mương đã kêu lên: Cởi ngay cái áo ra, không máy bay nó trông thấy mất. Nghe vậy, cô ấy vừa chạy vừa cởi áo. Nhưng vừa cởi áo xong mọi người ẩn dưới lòng mương lại gào to hơn: Mặc áo vào, mặc ngay áo vào, không nó bắn chết cả đám bây giờ!”.

Trăn trở về một làng cười

Ông Nguyễn Thế Trường (56 tuổi, trưởng thôn Húng, xã Liên Sơn) cho biết: “Hiện nay, làng Dương Sơn có rất ít người có khả năng nói phét theo kiểu thơ ca. Có chăng cũng chỉ là nói quá, nói khoa trương một sự việc ít gây tiếng cười hoặc không thâm thúy. Dù biết nói phét là “đặc sản” của địa phương từ thuở ông cha nhưng nay đã mai một. Nhiều năm nay, chúng tôi rất muốn phục dựng lại để lưu giữ nét văn hóa xưa, tạo thành một sân chơi bổ ích, giáo dục cho con cháu thông qua các hội thi nói phét có ca nhưng gặp nhiều khó khăn.

Theo cụ Vũ Văn Lập: “Người làm nghệ thuật nếu được đào tạo chính chuyên được gọi là nghệ sĩ còn người làm theo năng khiếu gọi là nghệ nhân. Với “bộ môn” nghệ thuật dân gian, cốt yếu vẫn là tự lưu truyền qua các thế hệ thông qua thói quen sinh hoạt, qua cuộc nói chuyện hàng ngày. Và gia đình tôi đang làm điều này ở thói nói phét có ca”.

Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng cười nhất cả nước, trong số 14 làng cười xứ Bắc, Bắc Giang có tới 8 làng. Trong 8 làng cười truyền thống ở Bắc Giang có 3 làng dùng nghệ thuật khoa trương, dân gọi là “nói khoác” hay “nói phét”, đó là các làng: Hòa Làng (nay xã Phúc Hòa), Dương Sơn (nay xã Liên Sơn, huyện Tân Yên); Tiên Lục (huyện Lạng Giang). Hai làng dùng nghệ thuật châm biếm “nói tức”, đó là Đông Loan và Nội Hoàng (huyện Yên Dũng). Một làng nói nước đôi (hiểu theo cách nào cũng được), dân gian gọi là “nói ngang”, đó là làng Phụng Pháp (tục gọi là làng Cua). Một làng nói phô trương “nói khoe” là Cao Lôi (tục gọi là làng Kẻ Chối). Một làng nói bài bác “nói giễu” là Khả Lý (tục gọi là Kẻ Xe).

Hữu Tuấn/Báo Giao thông

Đêm 06/7 Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, chấm dứt đợt nắng nóng kỷ lục
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn: Do ảnh hưởng xoáy thấp có xu hướng hoạt động mạnh dần lên, trong chiều tối và đêm mai 06/7 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to, trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.


Từ ngày 07-09/7 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái có mưa rất to và dông (thời gian có mưa to tập trung vào đêm và sáng sớm).

Đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ tập trung cao điểm trong các ngày 07-09/7, sau đó mưa còn có thể kéo dài nhiều ngày. Cần chú ý theo dõi trong các bản tin tiếp theo.


Thời tiết khu vực Hà Nội chiều tối và đêm mai: có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh; từ ngày 07-09/7 có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và có dông.