Bắc Giang có 10 điểm bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản đồng ý cho tổ chức bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.


Theo đó, dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức 10 điểm bắn pháo hoa.
Trong đó, tại thành phố Bắc Giang tổ chức 02 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại khu Quảng trường 3/2: Thành phố Bắc Giang tổ chức bắn lúc 21h00 (số lượng 60 giàn pháo hoa) và tỉnh tổ chức bắn lúc 24h00 (số lượng 90 giàn pháo hoa), đêm giao thừa.
Đồng thời tổ chức 08 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại trung tâm các huyện: Việt Yên (số lượng 90 giàn pháo hoa), Hiệp Hòa, Lục Ngạn (số lượng 60 giàn pháo hoa), Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế (số lượng 45 giàn pháo hoa).
Chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn về cháy, nổ và đúng quy định của pháp luật hiện hành./.

Việt Yên: Công an tỉnh lại  phát hiện hàng chục thanh niên chơi ma túy trong quán karaoke
Rạng sáng nay 26/12/2018, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra, phát hiện cơ sở karaoke MTV ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên có nhiều nam nữ sử dụng ma túy tập thể.

Lực lượng công an kiểm tra hành chính phát hiện các thanh niên sử dụng ma túy.

Vào lúc 3 giờ 50 phút sáng, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Bắc Giang) đã kiểm tra hành chính quán kinh doanh karaoke MTV ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Qua kiểm tra phát hiện gần chục đối tượng dương tính với ma túy.
Tại hai phòng hát của quán do bà Giáp Thị Trang làm chủ, qua kiểm tra hành chính, tổ công tác đã phát hiện 16 thanh niên có biểu hiện sử dụng ma túy. Kiểm tra nhanh bằng que thử, 9 đối tượng có kết quả dương tính với ma túy. Đáng lưu ý là trong số này có 5 nhân viên nữ phục vụ và 4 khách hát karaoke sử dụng ma túy. Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã sử dụng ma túy tổng hợp như: ketamin, kẹo…
Để tránh sự phát hiện và kiểm tra của lực lượng công an, chủ quán kinh doanh karaoke này đã khóa trái cửa khi hoạt động về đêm. Khi tổ công tác đến làm nhiệm vụ, chủ quán đã không mở cửa khiến cho việc kiểm tra của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn.
 
Tại cơ sở karaoke MTV ở thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều thanh niên sử dụng ma túy tập thể.
Hiện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản và đưa các đối tượng về trụ sở Công an tỉnh để làm rõ vụ việc.

Như vậy, từ đầu tháng 12 đến nay, lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá gần chục điểm sử dụng ma túy tập thể trong quán karaoke ở các huyện: Lục Nam, Việt Yên, Lục Ngạn, với hơn 150 đối tượng tham gia.

Theo Báo Bắc Giang.
Việt Yên (Bắc Giang): Vợ tập lái ôtô, khiến chồng và con nhỏ phi thẳng xuống hồ
Khi đang lái xe chở vợ và con trong khuôn viên trường Đại học Nông Lâm - Bắc Giang, người chồng cho vợ tập lái xe thì cả 3 người bị lao xuống hồ.

Ngày 23/12, ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND xã Bích Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết vào khoảng 10h cùng ngày, một chiếc xe con chở ba người trên xe đã lao xuống hồ ở trường Đại học Nông Lâm - Bắc Giang (xã Bích Sơn, Việt Yên).


Theo người dân có mặt tại hiện trường, tại thời điểm trên, người chồng lái xe ô tô chở vợ và con đi quanh khuôn viên trong trường. Sau đó, chồng nhường vô lăng cho vợ tập lái xe thì xe phóng lao xuống hồ cách mặt bờ khoảng 10m.
Phát hiện sự việc, người dân đã xuống giúp đỡ người bị nạn và thông báo cho cơ quan chức năng.
“Khi xe lao xuống hồ, cửa kính xe ô tô liền bị vỡ và ba người trong xe thoát ra ngoài. Khoảng một tiếng sau, chiếc xe đã được trục vớt lên bờ. Rất may không có ai bị thương”, ông Vịnh cho hay.
Theo ông Vịnh, hai vợ chồng trên là giảng viên giảng dạy trong trường Đại học Nông Lâm - Bắc Giang.
Theo www.tintucbacgiang.net

Hôm nay, Miền Bắc mưa rét, có nơi 10 độ C
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh miền Bắc trời trở rét kèm theo mưa, ở vùng núi có nơi còn 10-12 độ.

Dự báo, hôm nay không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.


Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời trở rét và có mưa rào rải rác, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ, ở vùng núi Bắc Bộ có nơi 10-12 độ.

Hà Nội sáng nay có mưa, mưa rào, trời rét, nhiệt độ thấp nhất dao động 16-18 độ, cao nhất trong ngày cũng chỉ 21 độ.

Tại Hải Phòng không có mưa, nhiệt độ cao nhất 26 độ, thấp nhất 19 độ.

Các tỉnh ven biển Trung Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa có mưa; riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Việt Yên (Bắc Giang) lắp màn hình LED 120 m2 để NHM xem, cổ vũ trận chung kết Việt Nam – Malaysia
Trận chung kết lượt về Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á AFF Suzuki Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 15/12 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Nhằm phục vụ người hâm mộ theo dõi bóng đá, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam, UBND huyện Việt Yên tổ chức điểm xem bóng đá tập trung, miễn phí tại Quảng trường trung tâm huyện (thị trấn Bích Động, Việt Yên).

Các công đoạn đang được hoàn thiện


Theo đó, huyện đã lắp đặt màn hình LED 120 m2; có sân khấu, khán đài với sức chứa 9 nghìn chỗ ngồi. Huyện phối hợp với VNPT Việt Yên cung cấp đường truyền phát hình ảnh tường thuật trực tiếp trận đấu. Tại sự kiện này, Huyện đoàn thành lập ba điểm trông xe miễn phí; tổ chức các tiết mục văn nghệ biểu diễn trước, giữa và sau khi kết thúc trận đấu.



Tương tự, UBND TP Bắc Giang cũng cho biết sẽ lắp đặt một màn hình 70m2 tại Quảng trường 3-2 phục vụ người hâm mộ xem trận chung kết lượt về.

Được biết trước đó, trận chung kết lượt về Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á AFF Suzuki Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia có kết quả hòa 2-2.

Việt Yên (Bắc Giang): Phát hiện gần 8.000 lít xăng  kém chất lượng

Theo đó, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện thêm cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác có địa chỉ tại thôn Cầu, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên có hành vi bán xăng kém chất lượng.
Cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác
Cụ thể, ngày 29/8/2018, Đội Quản lý thị trường chống buôn lậu – Chi cục Quản lý thị trường Bắc Giang (nay là Đội quản lý thị trường số 3) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác thuộc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác.

Qua quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xăng RON95 tại cây xăng để kiểm tra bằng máy phân tích nhanh của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Giang, kết quả cho thấy: Chỉ số Octan của xăng RON95 là 91,5 không phù hợp với xăng không chì được quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN.

Đội Quản lý thị trường số 3 – Cục Quản lý thị trường Bắc Giang đã ban hành Quyết định tạm giữ số xăng trên để lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn giám định chất lượng, xác định số lượng làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 01/10/2018, Trung tâm kỹ thuật 1 – Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng xác định trị số Octan của mẫu xăng RON95 của cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác là 89,2.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành thuê phương tiện chuyên dụng hút xăng tại bể chứa của doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác để xác định khối lượng thực tế tạm giữ và vận chuyển đến Công ty CP Đại Đồng Xuân tại huyện Lục Nam để thuê trông coi, bảo quản số xăng kém chất lượng. Tại thời điểm hút và xác định tại bể chứa của cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty CP Đại Đồng Xuân là 7.824 lít.

Ông Nguyễn Ngọc Tác – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác cho biết: Ngày 28/9/2018, tôi có nhập 4.345 lít xăng RON95 của Công ty TNHH Thương mại Công Minh do xe ô tô BKS 98C-06584 vận chuyển đến, lái xe là Trần Văn Khoa, tôi và lái xe đã lập biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu, kiểm tra niêm phong đối với hàng hóa vào hồi 9h ngày 28/9/2018. Toàn bộ số xăng nhập của Công ty TNHH Thương mại Công Minh được đổ vào bể chứa của doanh nghiệp. Trước khi đổ số xăng mới nhập vào bể chứa trong bể còn 3.479 lít xăng RON95. Trong đó 2.135 lít RON95 được nhập của Công ty TNHH Thương mại Công Minh có đầy đủ hóa đơn chứng từ kèm theo và 1.344 lít xăng RON95 kém chất lượng như đoàn kiểm tra đã công bố được tôi mua trôi nổi trên thị trường.

Được biết, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang sau quá trình làm việc và thu thập hồ sơ đã xác định cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác đã kinh doanh 7.824 lít xăng RON95 kém chất lượng đồng thời kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 9/11/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 1763/QĐ-XPVPHC xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác 134 triệu đồng.

Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác người đại diện là ông Nguyễn Ngọc Tác là Giám đốc. Mã số doanh nghiệp: 2400276535 do Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp. Địa chỉ thôn Cầu xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Theo Quyết định, xử phạt vi phạm hành,  Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác đã có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa xăng RON 95 kém chất lượng và buôn bán hàng hóa xăng RON 95 kém chất lượng.

Theo đó, hành vi thứ nhất, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác kinh doanh hàng hóa xăng RON 95 kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tang vật vi phạm gồm 1.344 lít xăng RON 95 kém chất lượng, trị giá tang vật vi phạm hành chính 29.258.880 đồng.

Áp dụng quy định tại Khoản 2, Điều 4, Điểm C, khoản 1, khoản 7, Điểm c, Khoản 13, Điều 21, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ. Với hành vi này doanh nghiệp bị phạt 24 triệu đồng.

Ngoài ra, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác còn bị phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm gồm 1.344 lít xăng RON 95 kém chất lượng.

Với hành vi thứ hai, Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác vi phạm buôn bán hàng hóa xăng RON 95 kém chất lượng, có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tang vật vi phạm là 7.824 lít xăng RON 95 kém chất lượng, trị số Octan đạt 89,2 (trong đó có 1.344 lít xăng RON 95 không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ). Trị giá tang vật vi phạm hành chính 170.328.480 đồng. Áp dụng Điểm g, Khoản 1, Điều 19, Điểm c, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Với hành vi trên, Doanh nghiệp này bị phạt 110 triệu đồng.


Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác với  02 hành vi trên là 134 triệu đồng.


Cục quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác thuộc kênh phân phối của Công ty TNHH Thương mại Công Minh - một trong vài thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác thuộc kênh phân phối của Công ty TNHH Thương mại Công Minh

Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đăng tải thông tin về việc các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã thu giữ gần 10.000 lít xăng RON95 kém chất lượng của cửa hàng xăng dầu Châu Minh tại thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang. Cửa hàng xăng dầu này đã bán xăng RON95 kém chất lượng và bị UBND tỉnh Bắc Giang phạt 250 triệu đồng.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Thanh Thắng - Doãn Hưng (Tuoitrethudo)

Bắc Giang: Vinh dự đón Thủ tướng về thăm Việt Yên
Ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã về dự, chung vui với bà con nhân dân thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tham dự chương trình còn có ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Về phía lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang; Ông Tô Ân Xô, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Việt Yên và đại diện các tầng lớp nhân dân xã Ninh Sơn.

Ngay từ đầu giờ sáng, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đã có mặt đông đủ ở nhà văn hóa thôn Nội Ninh để chào đón Thủ tướng về chung vui trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đúng 9 giờ 5 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã về đến sân nhà văn hóa thôn. Thủ tướng ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống của bà con nhân dân.
Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Chi bộ thôn Nội Ninh Đoàn Văn Mật đã nêu bật những thành quả thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư. Thôn có 409 hộ, 1.780 nhân khẩu, năm 2018, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn luôn đoàn kết một lòng chung sức xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự.

Theo Ban công tác Mặt trận Khu dân cư thôn Nội Ninh, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trên địa bàn. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/năm. Cả thôn hiện còn 16 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,9%, giảm 4,7% so với năm 2017. Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” ngày càng được chú trọng. Năm 2018, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 92%. Đến nay, 99,5% người dân trong thôn có thẻ bảo hiểm y tế và phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ này là 100%. Hiện toàn bộ các gia đình trong thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Việc xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học” đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong thôn.

Phát biểu tại Ngày hội về truyền thống đại đoàn kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong cả nước, có trên 100.000 khu dân cư tổ chức ngày hội này. Những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều xuống với người dân, “để nghe người dân nói, để xem đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn ra sao”. Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa lớn lao, là một hoạt động thiết thực để tránh bệnh quan liêu, xa dân mà một bộ phận cán bộ mắc phải. Đối với khu dân cư, đây là dịp tổng kết tình làng nghĩa xóm, sự đóng góp của mỗi người dân trong việc xây dựng thôn, làng. Đây cũng là diễn đàn dân chủ ở nông thôn, tập hợp sức mạnh của người dân.
Xúc động trước sự đón tiếp và tình cảm nồng hậu của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên và bà con trong thôn, xã Ninh Sơn. Thủ tướng chúc mừng, biểu dương những kết quả tốt đẹp trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của cán bộ và nhân dân toàn tỉnh, toàn huyện Việt Yên và đặc biệt là thôn, xã nơi đây.

Dẫn lời căn dặn của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, Thủ tướng khẳng định thành quả này là sự đoàn kết chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương. Mong muốn tiếp tục phát huy kết quả đó, Thủ tướng đề nghị cán bộ, đảng viên cần gần dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ, khơi dậy sức mạnh nội lực trong dân, từ đó phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Đề nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục phối hợp với MTTQ các cấp đổi mới phương thức vận động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Trước đó, sáng 8/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chính thức ký công nhận huyện Việt Yên (Bắc Giang) đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018. Đáng chú ý, đây là địa phương tiêu biểu mới được chọn thí điểm nhất thể hoá hai chức danh bí thư, chủ tịch tại Bắc Giang.

Với gần 8 năm phấn đấu, 100% các xã tại huyện Việt Yên có các điểm vui chơi, giải trí, thể thao; 154/154 thôn của 17/17 xã đều có nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát. Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.


Với thành tích của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trở thành tỉnh thứ 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Dưới đây là một số hình ảnh:









Bắc Giang có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới - Huyện Việt Yên
Sáng ngày 08/11/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký công nhận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) năm 2018.
Cổng chào huyện Việt Yên, Bắc Giang  - Ảnh www.vietyenbacgiang.com




Việt Yên là huyện đầu tiên trong số 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chuẩn này và là huyện thứ 56 của cả nước đạt chuẩn NTM. Còn với tỉnh Bắc Giang là tỉnh thứ 29/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có huyện đạt chuẩn NTM.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, huyện Việt Yên đã hoàn thành các nội dung xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM với sự nỗ lực, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân địa phương. Thu nhập bình quân của người dân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 7 triệu so với trung bình khu vực nông thôn của cả nước.

Một góc Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên)
Cùng với đó, 100% các xã có các điểm vui chơi, giải trí, thể thao; 154/154 thôn của 17/17 xã đều có nhà văn hóa, khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Trên địa bàn huyện không còn nhà tạm, dột nát. Hệ thống chính trị ở cấp xã và các khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định.

Toàn huyện có 75 HTX, hầu hết các HTX đều kinh doanh có hiệu quả, những HTX cho doanh thu hằng năm cao, nổi bật như: HTX Nông nghiệp tổng hợp Minh Tâm lợi nhuận trên 15 tỷ/năm; HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp, công nghệ cao Khang Thịnh lợi nhuận trên 6 tỷ/năm, HTX dược liệu Khánh Hoa lợi nhuận trên 4 tỷ/năm, HTX Quyết Thắng lợi nhuận trên 3 tỷ/năm.

Các HTX trên địa bàn huyện bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trên địa bàn, ổn định được đầu ra sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo Thành Chung/Chinhphu.vn

Lục Nam (Bắc Giang) tự hào có sản vật hạt dẻ thơm ngon nức tiếng

Ngồi dưới tán rừng dẻ tái sinh vùng Tứ Sơn (Lục Nam), nhẩn nha thưởng thức hương vị thơm bùi của hạt dẻ và ngắm những sợi nắng thu xuyên qua kẽ lá thấy tinh thần thật thư thái. Tôi thầm nghĩ, rừng dẻ nơi đây như một đặc ân của trời đất dành cho những ai biết trân trọng, yêu quý nó.
 
Thu hoạch hạt dẻ dưới tán rừng của gia đình bà Tạ Thị Lộc, thôn Dốc Đỉnh.
Thanh âm của rừng
Bộp... Bộp... Bộp... Âm thanh phát ra từ khoảng không dưới tán rừng dẻ tái sinh của gia đình ông Đặng Bá Ảnh, thôn Quỷnh Sành, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Những tia nắng thu vàng óng đọng trên thảm lá khô bên sườn dốc.

- Tiếng động gì vậy anh? - Tôi hỏi.
- Lộc rừng đấy. Mùa dẻ chín mà. Những quả dẻ bắt đầu tách cuống rơi rụng rồi - Anh Phạm Đình Quý, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam giải thích.
Anh Quý là lái xe của Hạt Kiểm lâm huyện đã hơn mười năm; gia đình lại có đất rừng nên mọi thuộc tính của rừng anh đều nắm rõ. “Sáng nay, ông Ảnh xuống núi gọi người lên nhặt dẻ. Nếu nhà báo muốn thưởng thức hạt dẻ thì cứ tự nhiên”, anh Quý cúi xuống nhặt hạt dẻ cho vào mồm cắn vỏ kêu đến cắc.

Rừng dẻ nhà ông Ảnh trải rộng từ quả đồi này sang ngọn đồi khác. Những cây dẻ già nua trơ gốc xù xì. Một số cây thân đã mục lõi nhưng tán lá vẫn vươn dài, trên đầu cành lủng liểng những chùm quả tua tủa gai nhọn như quả chôm chôm đang độ chín...

Con đường xuyên qua cánh rừng dẻ chạy ngoằn ngoèo theo sườn núi nhưng vẫn đủ để chiếc xe ô tô bán tải lọt qua. Rừng dẻ cuối thu đẹp như tranh vẽ. Tầng trên, những tán dẻ xòe lá đan vào nhau; phía dưới là khoảng trống rộng không bị che khuất tầm nhìn.
- Cháy rừng dẻ rồi - Cô bạn đi cùng đoàn thốt lên.

- Không đâu! Người dân đang dọn thực bì để thuận tiện thu hoạch hạt dẻ đó - Anh Quý giải thích.

Bên cạnh đống lửa có hai người cặm cụi nhặt hạt dẻ. Đó là mẹ con bà Tạ Thị Lộc, thôn Dốc Đỉnh, xã Nghĩa Phương. “Mới chớm vụ thu hoạch nên quả rụng chưa nhiều. Trung bình mỗi ngày, hai mẹ con nhặt được gần mười cân hạt dẻ”, bà Lộc nói.

Bà Lộc năm nay gần 70 tuổi. Mười đầu ngón tay của bà đã chai sần vì những vết đâm của gai nhọn trên quả qua mỗi mùa dẻ chín. Hai mươi năm về trước, bà cùng các con lên đây phát quang cây dại để bảo vệ rừng dẻ tái sinh. Mấy năm sau, Nhà nước có chủ trương giao cho các hộ dân khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, gia đình bà được nhận hơn 1 ha ngay phía sau nhà nên việc trông nom, bảo vệ khá thuận tiện. Bà Lộc nói: “Khi còn trẻ, tôi thường trèo lên cây để rung cho quả rụng nhiều. Nay già rồi, chồng con lại yếu nên đợi quả rụng đến đâu, nhặt đến đó”.

Thỉnh thoảng hạt dẻ tách vỏ rơi xuống đất, phát ra tiếng kêu lộp độp như hạt mưa đầu hạ hòa cùng tiếng lá cây xào xạc, tạo ra bản nhạc mang âm hưởng núi rừng. Ông Ảnh cũng đã trở lại khu rừng của gia đình mình với 4-5 người đi cùng và bắt đầu dọn lá, nhặt hạt dẻ. “Năm nay dẻ được mùa, gia đình tôi ước thu về gần hai tấn hạt. Với giá bán khoảng 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thuê nhân công, chắc cũng có gần 40 triệu đồng”, ông Ảnh cho biết. Gia đình ông Ảnh có 11 ha rừng, trong đó ba ha rừng dẻ tái sinh. Hằng ngày, ông gắn bó với rừng, ăn ngủ cùng rừng. Có lẽ vì thế, mặc dù năm nay đã bước qua tuổi 60 nhưng trông ông vẫn khỏe mạnh, phong độ lắm.

Hạt dẻ Lục Nam nổi tiếng có vị thơm, bùi.

Mong manh rừng dẻ

Lục Nam được xem là huyện duy nhất của các tỉnh miền Bắc có nhiều diện tích rừng dẻ tái sinh, với 1.100 ha, tập trung ở 6 xã từ Nghĩa Phương đến Lục Sơn. Có lẽ rất hiếm loài cây nào như cây dẻ, ra hoa vào cuối mùa đông năm nay nhưng phải đợi đến cuối hạ năm sau, từ những nụ hoa ấy sẽ nhú lên những chùm hạt non. Và cứ thế chúng lớn dần trong nắng ấm. Khi bước vào cuối thu, đầu đông, hạt dẻ trở nên cứng cáp, được bọc trong lớp vỏ gai nhọn, chờ đến hạt khô cứng, có thể thu hái được thì những quả gai nhọn ấy tự nứt ra, rơi xuống đất. Mùa thu hoạch dẻ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. “Vài năm gần đây, dẻ thường xuyên mất mùa. Năm ngoái, cả vụ, gia đình tôi không được hạt nào cắn chắt”, bà Lộc tâm sự. Theo bà Lộc, năm nào hoa dẻ nở vào dịp áp Tết Nguyên đán, trời ít mưa thì năm đó được mùa còn nếu hoa dẻ nở sớm hơn hay muộn hơn, gặp mưa nhiều hoặc bị sâu đo ăn lá thì chắc chắn năm đó mất mùa.

Mặc dù giá bán hạt dẻ khá cao, thương lái đến tận nhà thu mua nhưng nhiều chủ rừng vẫn không mặn mà bởi so với trồng rừng kinh tế, nguồn thu từ rừng dẻ tái sinh thấp hơn nhiều. “Một ha rừng kinh tế, sau ba năm cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng trong khi dẻ nếu được mùa, mỗi năm chỉ thu hơn chục triệu đồng”, ông Đặng Bá Ảnh cho biết.

- Nghe đâu có người đã trả tiền mua rừng dẻ của gia đình?- Tôi hỏi bà Lộc.
- Gia đình không bán đất rừng nhưng nếu họ mua cây dẻ về làm củi, lấy gỗ, thì bán để chuyển sang trồng rừng kinh tế - Bà Lộc quả quyết.
Những năm gần đây, Lục Nam tự hào có sản vật hạt dẻ Tứ Sơn với hương vị thơm, bùi, chắc không giống như hạt dẻ nơi khác. Loại quả này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Nhiều người ví đây là “quà rừng, “lộc rừng” do thiên nhiên ưu ái ban tặng. Bên cạnh đó, rừng dẻ còn có vai trò vô cùng quan trọng về bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh thủy tự nhiên. Trong chủ trương phát triển kinh tế rừng, huyện Lục Nam đã quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng dẻ tái sinh, coi nó như “báu vật” của huyện. Hằng năm, ngoài 100.000 đồng do tỉnh hỗ trợ cho mỗi ha, huyện còn dành số tiền tương đương để người dân trông nom, bảo vệ. Tuy nhiên, nguy cơ rừng dẻ tái sinh bị chặt phá, thay bằng rừng kinh tế hay trồng cây ăn quả như suy nghĩ của bà Lộc sẽ khó tránh khỏi, dẫu biết là vi phạm pháp luật.
 
Rừng dẻ tái sinh của gia đình ông Đặng Bá Ảnh, thôn Quỷnh Sành
Muốn giữ được rừng dẻ, không chỉ trông vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước hay tuyên truyền, động viên mà nên chăng tính chuyện gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Khoảng đất trống dưới tán rừng dẻ rất thích hợp cho hoạt động cắm trại, trải nghiệm của lớp trẻ, học sinh, sinh viên, nhất là vào mùa thu hoạch quả hoặc mùa hoa dẻ trổ bông trắng rừng. Trong khi đó, diện tích rừng dẻ vùng Tứ Sơn lại nằm gần Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ hay trên tuyến đường tâm linh đi Tây Yên Tử... Mặt khác, cũng cần nghiên cứu phát triển những lâm sản phụ ngoài gỗ, như cây dược liệu cùng các loài nấm quý chỉ mọc dưới tán rừng dẻ tự nhiên. Từ đó, giúp tăng nguồn thu cho người dân địa phương.
Lần đầu tiên được ngồi dưới tán rừng dẻ tái sinh, nhẩn nha thưởng thức hương vị hạt dẻ thơm bùi, ngắm những sợi nắng thu đung đưa xuyên qua kẽ lá thấy tinh thần sảng khoái, thư thái. Tôi thầm nghĩ, rừng dẻ Lục Nam như một đặc ân của trời đất dành cho những ai biết trân trọng, yêu quý nó.

Đỗ Thành Nam/ Báo Bắc Giang điện tử

Toàn văn phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
“Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước. Sau đây tôi xin có một vài ý kiến có tính chất báo cáo thêm, giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này để mong được các đồng chí và các vị cùng chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức (Ảnh Zing.vn)


Chắc có đại biểu muốn biết, tâm trạng của tôi lúc này thế nào. Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình. Đây là tâm tư, suy nghĩ thật lòng của tôi, cũng giống như tâm trạng của tôi cách đây hơn 12 năm, khi tôi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XI.
Phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tôi nhớ hôm đó là vào ngày 26/6/2006, hồi 16 giờ, Quốc hội bầu tôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Lúc ấy tôi cũng vừa mừng, vừa lo, phần lo là nhiều hơn, vì tôi chưa từng làm Chủ tịch Quốc hội bao giờ, chưa quen với công việc của Quốc hội (lúc bấy giờ tôi đang làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng). Tôi lo không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không. Khi phát biểu trước Quốc hội, tôi đã ngẫu hứng lẩy 2 câu Kiều:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay!

Và bây giờ đây, tâm trạng tôi cũng tương tự như thế, thậm chí có phần còn lo lắng hơn. Vì sao? Bởi vì 3 lý do:

Một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Hai là hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng Bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ba là trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khoẻ càng thấp; điều đó cũng không có gì lạ.

Vì vậy, tôi rất mong được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và đồng bào cảm thông, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện; các cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư pháp, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao, giúp cho tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Riêng về phần cá nhân, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định và Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã giao phó.

Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội, cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước. Chúc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV của chúng ta thành công tốt đẹp!”
Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk chính thức khai trương thương hiệu và hợp tác với 2 trường ĐH hàng đầu Hàn Quốc
Ngành đào tạo tiếng Hàn của tập đoàn ICOGroup chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010, sau hơn 8 năm xây dựng và phát triển, ICOGroup đã tạo dựng được nền tảng vững chắc về đội ngũ giảng viên và đặc biệt là chất lượng đào tạo. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học tiếng Hàn và doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu năm 2018 ICOGroup chính thức thành lập “Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk”.

Lễ cắt băng khai trương thương hiệu hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk

Sau một thời gian hoạt động sáng 06/10/2018, Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk (trực thuộc tập đoàn ICOGroup) đã chính thức tiến hành khai trương thương hiệu “Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk” đồng thời hai trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc là Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc và Đại học Kyunghee Cyber chính thức chuyển giao các chương trình đào tạo độc quyền thông qua hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk.
Các đại biểu và học viên tham dự lễ khai trương thương hiệu

Đến tham dự buổi lễ có nhiều hiệu trưởng các trường THPT, CĐ và ĐH trên địa bàn Hà Nội đã chứng kiến lễ chuyển giao giáo trình tiếng Hàn và khai trương thương hiệu “Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk”

Trước đó, ngày 29/04/2018 Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác đào tạo tiếng Hàn, theo bản thỏa thuận trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc sẽ chuyển giao cho ICOHankuk toàn bộ hệ thống chứng chỉ tiếng Hàn, giáo trình,  thang bảng đánh giá hệ thống đào tạo tiếng Hàn, bên cạnh đó trong quá trình đào tạo nhân lực tại Việt Nam, trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ 100% giáo viên của hệ thống trường học sang Việt Nam để giảng dạy tại các trung tâm đào tạo của Hàn ngữ ICOHankuk.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa ICOHankuk và Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc

Ngày 17/09/2018, Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk và trường Đại học Kyunghee Cyber đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác cùng nhau trong chương trình Đào Tạo Cử Nhân Hàn Quốc, Đại Học KyungHee Cyber - Khoa Tiếng Hàn Quốc (chương trình 2+2)
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo giữa ICOHankuk và Đại học KyungHee

Chương trình đào tạo tiếng Hàn do Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc và Đại học KyungHee Cyber chuyển giao độc quyền cho ICOHankuk bao gồm: Tiếng Hàn Lập Nghiệp, Tiếng Hàn Giao Tiếp, Tiếng Hàn EPS, Tiếng Hàn các cấp độ và hệ đào tạo đại học KyungHee Cyber – Cử nhân trực tuyến.

Được biết, Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk là một trong 3 đơn vị giáo dục lớn của Việt Nam về lĩnh vực đào tạo tiếng Hàn.

Đây là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo theo hình thức chuyển giao giáo trình chính quy từ các trường đại học ngoại ngữ lớn từ phía Hàn Quốc.

Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk hiện đang mở rộng thêm 71 hệ thống chi nhánh trung tâm đào tạo trên khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam ở Việt Nam.
Lớp học được trang bị bảng tương tác phục vụ cho việc học tập

Đây chính là cơ hội học tập tiếng Hàn trong môi trường học tập chuyên nghiệp, nghiêm túc, chất lượng tại Việt Nam.


 Hệ thống Hàn ngữ ICOHankuk
- Địa chỉ trụ sở chính: Số 75 Dương Khuê - Mỹ Đình 2 - Nam Từ Liêm - Hà Nội
- Hotline: 0977690005
- Website: www.tienghanlapnghiep.com 

-Huyền Đông-

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần
Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.


Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thông tin về lễ tang đồng chí Đỗ Mười sẽ được thông báo sau.

Đồng chí Đỗ Mười sinh ngày 2/2/1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (6/1991-12/1997), với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Theo TTXVN
Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra 2 ngày 26, 27/9

Thông cáo đặc biệt về lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Tang lễ đồng chí Trần Đại Quang được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, trong hai ngày 26 và 27/9/2018.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin:

Đồng chí Trần Đại Quang, sinh ngày 12/10/1956;

Quê quán: Xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình;

Thường trú tại nhà số 8, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/7/1980; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII; Chủ tịch nước (từ tháng 4/2016 đến nay), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 10h05 ngày 21/9/2018 (tức ngày 12/8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Suốt quá trình hoạt động, công tác, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, Huy hiệu 35 năm tuổi Đảng.

Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Trần Đại Quang, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Trần Đại Quang với nghi thức Quốc tang.


BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ TRẦN ĐẠI QUANG

Ủy viên Bộ Chính trị

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đồng chí Trần Đại Quang, sinh ngày 12/10/1956, tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; thường trú tại nhà số 8, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/7/1980.

7/1972 - 10/1975: Đồng chí là học viên Trường Cảnh sát Nhân dân; học viên Trường Văn hóa ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

10/1975 - 6/1990: Là cán bộ, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Cục Bảo vệ Chính trị, Bộ Nội vụ.

6/1990 - 9/1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh rồi Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tham mưu An ninh, Tổng cục An ninh.

9/1996 - 10/2000: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh.

10/2000 - 4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Được thăng quân hàm Thiếu tướng An ninh Nhân dân và phong hàm Phó Giáo sư năm 2003.

4/2006 - 01/2011: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được thăng quân hàm Trung tướng An ninh Nhân dân (tháng 4/2007) và phong hàm Giáo sư năm 2009. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

01/2011 - 7/2011: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

7/2011 - 12/2012: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được thăng quân hàm Thượng tướng (tháng 12/2011); Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

12/2012 - 4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, được thăng quân hàm Đại tướng (tháng 12/2012); Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị (tháng 01/2016). Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (tháng 4/2016) được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (tháng 7/2016) được bầu lại làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ tháng 4/2016 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII; Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV.

Do có nhiều công lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, huy chương cao quý và Huy hiệu 35 năm tuổi Đảng.


Danh sách Ban lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang

1. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Lễ tang.

2. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

5. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

6. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

7. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

8. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

9. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội.

10. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

11. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

12. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

13. Đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

14. Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An.

15. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

16. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

17. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, quyền Chủ tịch nước.

18. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

19. Đồng chí Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

20. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

21. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

22. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

23. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.

24. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

25. Đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.

26. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

27. Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

28. Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

29. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

30. Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

31. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

32. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

33. Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

34. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

35. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

36. Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

37. Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

THÔNG BÁO

Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Trần Đại Quang

Tang lễ đồng chí Trần Đại Quang tổ chức theo nghi thức Quốc tang.

Linh cữu đồng chí Trần Đại Quang quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Trần Đại Quang bắt đầu từ 7h, ngày 26/9/2018, tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu đồng chí Trần Đại Quang tổ chức vào 7h30, ngày 27/9/2018 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng từ 15h30 cùng ngày tại Nghĩa trang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh và tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Trần Đại Quang.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Trần Đại Quang tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Trong hai ngày Quốc tang (ngày 26 và 27/9/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Tổng hợp
Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần ở tuổi 62
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (sinh năm 1956) qua đời lúc 10h05 ngày 21/9 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.


Theo TTXVN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10h05 ngày 21/9/2018 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội).

Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho hay Chủ tịch nước Trần Đại Quang do mắc bệnh hiểm nghèo, dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, nhưng đã không qua khỏi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh năm 1956, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình; là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII.

Xin trân trọng giới thiệu Tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

- Ngày sinh: 12/10/1956
- Quê quán: xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
- Nơi đăng ký thường trú: phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
- Dân tộc: Kinh
- Tôn giáo: Không
- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Tiến sỹ Luật học, Đại học An ninh
- Học vị: Tiến sỹ
- Học hàm: Giáo sư
- Lý luận chính trị: Cao cấp
- Ngoại ngữ: Cao học tiếng Trung
- Ngày vào Đảng: 26/7/1980; Ngày chính thức: 26/7/1981
- Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, XIV.

Tóm tắt quá trình công tác của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
- Từ tháng 7/1972 - tháng 10/1975: Học viên Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 10/1975 - tháng 6/1987: Cán bộ Cục Bảo vệ chính trị I, sau tách thành Cục Bảo vệ chính trị II , giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 6/1987 - tháng 6/1990: Trưởng phòng Tham mưu và Trưởng phòng Trinh sát, Cục Bảo vệ chính trị II, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 6/1990 - tháng 9 /1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

- Từ tháng 9/1996 - tháng 10/2000: Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục An ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an.

- Từ tháng 10/2000 - tháng 4/2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng (2003); được phong học hàm Phó giáo sư (2003).

- Từ tháng 4/2006 - tháng 1/2011: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Trung tướng (2007); được phong học hàm Giáo sư (2009).

- Từ tháng 01/2011 - tháng 8/2011: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

- Từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2016: Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI, XII) , Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; được phong cấp bậc hàm Thượng tướng (2011), Đại tướng (2012); Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; đại biểu Quốc hội khóa XIII; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phó Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

- Ngày 2/4/2016 đến nay: Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.