Bắc Giang: Từ đêm nay 27/8 có mưa và dông do ảnh hưởng của bão số 7 (Pakhar)
BGQHT - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều nay 27/8/2017, bão số 7 đã vào sâu đất liền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 28-8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,8 độ vĩ Bắc; 107,5 độ kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, tiếp tục suy yếu và tan dần.

Dự báo, nhiều khu vực trong tỉnh Bắc Giang có mưa rào và dông (Ảnh minh họa - Nguồn Facebook).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 7, sau đó hình thành một rãnh áp thấp qua Bắc Bộ nên từ gần sáng ngày 28/8 đến hết ngày 31/8 ở Bắc Bộ có mưa diện rộng; khu vực Tây Bắc và Việt Bắc mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt). Khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 29 đến 31/8 có mưa vừa, có nơi mưa to, trong cơn dông cần đề phòng khả năng xuất hiện tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây, sau là rìa phía Tây Nam hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 7, thời tiết tỉnh Bắc Giang đêm nay (27/8) và ngày mai (28/8) có mưa, mưa rào và dông, có nơi mưa vừa. Từ ngày 29  đến 31/8/2017, thời tiết tỉnh Bắc Giang chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp với hoàn lưu vùng xoáy thấp tồn tại trên khu vực Bắc Bộ, kết hợp rìa Tây áp cao cận nhiệt đới lấn mạnh về phía Tây gây hội tụ gió Đông Nam từ tầng thấp lên tầng cao. Dự báo, thời tiết các khu vực trong tỉnh nhiều mây, có lúc có mưa, mưa rào và dông, riêng đêm 29 sáng ngày 30 rải rác có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa dự báo từ 100 – 150mm/cả đợt. Cần chủ động đề phòng trong cơn dông có khả năng xuất hiện tố, lốc và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1

-Admin tổng hợp-
VĐV Bắc Giang giành HCV SEAGames29, dìu đồng đội cùng mừng chiến thắng
BGQHT - Chứng kiến Phạm Thị Huệ ngã gục sau vạch đích, Nguyễn Thị Oanh (cô gái Bắc Giang) nhanh chóng tiến lại xốc đồng đội dậy thay vì một mình ăn mừng chiến thắng ở nội dung chạy 5.000 m tại SEA Games 29.
Chiều 25/8/2017, Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Huệ đại diện cho đội tuyển điền kinh Việt Nam dự tranh chung kết chạy 5.000 m nữ.
Trước những đối thủ mạnh, nhất là hai VĐV của Indonesia nhưng Oanh nhập cuộc bình tĩnh. Trong suốt chặng đua, cô gái Bắc Giang liên tục duy trì ở nhóm ba VĐV dẫn đầu. 

Đến hai vòng chạy cuối, Oanh tăng tốc trước sự ngỡ ngàng của đối thủ rồi băng băng về đích với khoảng cách rất xa so với người thứ nhì, chính là đồng đội Phạm Thị Huệ.

Khi chỉ còn cách vạch đích khoảng hơn 1 vòng sân, Nguyễn Thị Oanh có màn bứt tốc ấn tượng, vượt qua cả đồng đội Phạm Thị Huệ lẫn VĐV dẫn đầu người Indonesia, để băng băng một mình về đích.

Nguyễn Thị Oanh  về đích với thời gian 17 phút 23 giây 20 (Ảnh Zing.vn)
Dù vừa vượt qua quãng đường 5 km với thời gian 17 phút 23 giây 20, Nguyễn Thị Oanh vẫn tỏ ra rất sung sức.
Trong khi những nỗ lực không biết mệt mỏi ở khoảng 100 m cuối giúp Phạm Thị Huệ đánh bại đối thủ người Indonesia để giành tấm HCB. Tuy nhiên, cô đổ gục xuống đường chạy vì kiệt sức.

Phạm Thị Huệ kiệt sức, gục ngã sau khi về đích thứ 2, sau Nguyễn Thị Oanh (Ảnh Zing.vn)

Chứng kiến Phạm Thị Huệ ngã gục, Nguyễn Thị Oanh đã nhanh chóng tiến lại xốc đồng đội dậy thay vì một mình ăn mừng chiến thắng.

Nguyễn Thị Oanh dìu Phạm Thị Huệ  đứng dậy khi kiệt sức gục ngã sau khi cả 2 về đích (Ảnh Zing.vn)

Được biết, Nguyễn Thị Oanh là VĐV của đơn vị Bắc Giang. Cô sinh năm 1995, bắt đầu tập điền kinh từ tháng 8/2010. Tại kỳ SEA Games 29 này, cô đã giành 2 HCV ở 2 nội dung 1.500m và 5.000m với thành tích xuất sắc.

-Admin tổng hợp-
Bắc Giang ghi nhận 308 bệnh nhân sốt xuất huyết
BGQHT - Tính đến 17 giờ ngày 19/8/2017, toàn tỉnh Bắc Giang có 308 người mắc sốt xuất huyết. Trong ngày ghi nhận 18 ca mắc mới.

Một số địa phương có đông bệnh nhân là TP Bắc Giang (65), Hiệp Hòa (43), Lục Nam (41), Yên Dũng (32)…


Qua tìm hiểu tại các bệnh viện, đa số bệnh nhân trên được điều trị ổn định, sức khỏe tiến triển tốt. Hiện nay đã có 282 người ra viện, còn lại 26 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và rải rác ở các bệnh viện đa khoa huyện. 

Trung tâm Y tế các huyện, TP tập trung giám sát, khoanh vùng, tuyên truyền, vận động nhân dân tiêu trùng khử độc, diệt muỗi tại vùng dịch và khu dân cư. Từ những cảnh báo của ngành y tế về dịch sốt xuất huyết khiến người dân có ý thức hơn trong việc phòng, chống, điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn tiếp tục tăng cường vận động người dân vệ sinh môi trường, phòng chống muỗi đốt để khống chế dịch bệnh.
Theo BGĐT.
Bắc Giang: Vì sao Bác sĩ bị đánh, bệnh nhân bị mất cắp tại bệnh viện?
BGQHT - Trong thời gian qua, tại một số bệnh viện ở Bắc Giang xảy ra những vụ việc người nhà hành hung bác sĩ, trộm cắp tài sản của bệnh nhân khiến môi trường bệnh viện trở nên mất an toàn.
 
Côn đồ, trộm cắp hoành hành
Mới đây, vào ngày 12/7/2017, khi đang điều trị cho bệnh nhân Ngô Văn Thủy (sinh năm 1987) ở Yên Dũng, bác sĩ Nguyễn Văn Long (Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên) đã bị đối tượng Nguyễn Văn Tú (sinh năm 1991) ở Việt Yên dùng máy đo huyết áp bất ngờ tấn công tại bàn máy tính. Hậu quả là bác sĩ Long bị chấn động não, đụng giật nhãn cầu, vùng đầu phải khâu năm mũi.
Camera hiện trường ghi lại cảnh Bác sĩ Long bị đánh (Ảnh cắt từ clip - BGTV)

Qua điều tra cho thấy rạng sáng 12/7 khi đang uống rượu tại một quán ăn ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh, Tú gặp anh Thủy cùng bốn người bạn. Mặc dù không quen biết và xích mích gì với nạn nhân nhưng do say rượu, Tú đã to tiếng và dùng cốc thủy tinh ném vào đầu anh Thủy. Nhóm bạn của nạn nhân đã đưa anh Thủy đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên, Tú cũng đi theo đến bệnh viện. Do lầm tưởng đối tượng là người quen của nạn nhân nên bác sĩ ca trực đề nghị Tú làm thủ tục nhập viện. Tại đây, Tú chửi bới, xúc phạm nhân viên y tế và hành hung bác sĩ Long.

Trước đó, vào chiều ngày 02/01/2017 cũng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên Một bác sĩ trẻ trong quá trình thăm khám cho nam bệnh nhân vào cấp cứu thì bất ngờ bị người này đạp vào bụng. Vị bác sĩ này là Đỗ Văn M. Theo bác sĩ M.: "Khi đó nam bệnh nhân này bị ngã xe nên được 4 người thân đưa vào cấp cứu.
Bác sĩ M. Bị đạp vào bụng tại BVĐK Việt Yên khi khám cho bệnh nhân (ảnh cắt từ clip camera bệnh viện)

Ngoài vết thương ở cằm nhìn thấy, tôi tiến hành kiểm tra phần bụng xem có bị sao không. Khi thấy trên ngực bệnh nhân có vết máu, tôi tiếp tục vạch áo lên xem có vết thương nào khác.

Trong quá trình thăm khám, bất ngờ bệnh nhân đạp tôi một cái rất mạnh vào bụng và chửi. Vì đau và cũng sợ nên tôi đi luôn vào trong...", lời bác sĩ M.
Do bị đạp vào bụng khá đau nhưng sau đó bác sĩ M. vẫn cố gắng xử lý, khâu vết thương, đồng thời đưa bệnh nhân đi chụp chiếu.
“Sau khi chụp chiếu xong, tất cả họ bỏ về mà không xin lỗi hay cảm ơn", bác sĩ M. cho hay.
Theo bác sĩ M., do hôm đó đông bệnh nhân đến cấp cứu nên phải đến sáng hôm sau mới báo được sự việc với lãnh đạo bệnh viện.
Bệnh nhân này được bệnh viện xác nhận là có sử dụng rượu bia và trú tại huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Lực lượng bảo vệ mỏng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nạn côn đồ, trộm cắp hoành hành
Ông Chu Văn Tám, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Việt Yên cho biết: “Việt Yên là huyện công nghiệp nên đối tượng ở đây rất nhiều thành phần. Bệnh nhân thương tích say rượu, đánh nhau, dùng chất kích thích rất nhiều. Trong khi đó, diện tích bệnh viện lại rộng nên công tác quản lý còn nhiều khó khăn. Qua sự việc trên, bệnh viện đã tăng cường thêm nhân viên bảo vệ, yêu cầu ca kíp trực thắt chặt an ninh, không cho người nhà vào khu điều trị, chỉ cho một người ở lại chăm sóc bệnh nhân vào giờ nghỉ”.

Ngoài ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, nhiều bệnh nhân phàn nàn về tình trạng kẻ gian trà trộn vào phòng bệnh trộm tiền, điện thoại. Khi bị phát hiện chúng liền đe dọa, khống chế. Theo thông báo từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ đã phát hiện gần 20 vụ trộm cắp tài sản của bệnh nhân. Như vậy có thể nói, những vụ hành hung bác sĩ, trộm cắp tài sản, lừa đảo, truy sát bệnh nhân…. ngày càng gia tăng trong địa bàn tỉnh và có tính chất phức tạp.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang (Ảnh BGĐT)


Vì đâu nên nỗi?
Có nhiều nguyên nhân khiến tội phạm ở bệnh viện gia tăng, trong đó chủ yếu là tình trạng quá tải trong khi các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh còn hạn chế, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đôi khi chưa phù hợp khiến người dân dễ bức xúc, phản ứng.

Hàng trăm thậm chí hàng nghìn lượt ra vào bệnh viện khiến kẻ gian dễ trà trộn
Đặc biệt nhiều khi bệnh nhân và người nhà không hiểu được tính chất bệnh của mình, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và quá tải của bệnh viện, cứ vào viện là muốn được ưu tiên khám trước ngay hoặc thấy y, bác sĩ chậm hướng dẫn là lập tức manh động. Bên cạnh đó, mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt người ra vào bệnh viện khiến kẻ gian dễ trà trộn trộm cắp, lừa đảo.
Để hạn chế tình trạng trên, Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo các cơ sở điều trị bổ sung mạng lưới bảo vệ, tăng cường bố trí chế độ trực lãnh đạo, cấp cứu, điều trị, nêu cao ý thức trách nhiệm khi xử lý thông tin phản hồi của bệnh nhân, ngăn chặn kịp thời hành vi đe dọa, tấn công nhân viên. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần có thái độ hợp tác, tuân theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có hình thức xử phạt thích đáng với những đối tượng có hành vi gây rối tại bệnh viện.
-Admin tổng hợp -


Lục Nam: Giá na đạt 30 nghìn đồng/kg, nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng
BGQHT - Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Lục Nam (Bắc Giang), sản lượng na năm 2017 của huyện ước đạt trên 14 nghìn tấn quả, năng suất đạt 82 tạ/ha, tăng từ 5 -7 tạ/ha so với năm 2016; tỷ lệ quả to, mẫu mã đẹp cao.


Có được kết quả trên là do Huyện uỷ, UBND huyện đã có chủ trương khuyến khích phát triển cây na - Một trong những cây ăn quả được coi là thế mạnh của địa phương; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn duy trì việc áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với 700 ha và thụ phấn chín rải vụ đối với 70% diện tích, tránh tình trạng ép giá và giữ được thương hiệu sản phẩm.
Nông dân xã Huyền Sơn (Lục Nam) thu hái na bán cho thương lái.

Đến nay, diện tích trồng na toàn huyện hơn 1.700 ha; trong đó, khoảng 1.200 ha cho thu hoạch. Na đầu vụ có giá bán từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg, hiện giá na tại huyện trung bình đạt 30 nghìn đồng/kg, nhiều hộ thu vài trăm triệu đồng/năm. Điều đáng nói là việc tiêu thụ khá thuận lợi, các thương lái về tận vườn thu hái.
Theo Báo Bắc Giang điện tử
Bắc Giang: Tá hỏa phát hiện 4 thi thể nữ sinh dưới giếng chùa Hàm Long (Lục Ngạn)
BGQHT - Ngày 10/8/2017, tại thôn Nam Điện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 4 học sinh ở cùng thôn tử vong.

Ông Trịnh Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Nam Dương thông tin: Chiều 10/ 8, hai chị em ruột gồm: Mạc Thị Tuyến (SN 2003) và Mạc Thị Tuyền (SN 2005) cùng hai em Nguyễn Thị Thảo Vân (SN 2006) và Thân Thị Trà Mi (SN 2006) cùng nhau đi chơi. Đến tối không thấy các cháu về, từng gia đình đi tìm. Đến khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, người dân phát hiện thi thể 4 cháu nổi trên mặt nước giếng thuộc khu vực chùa Hàm Long, thôn Nam Điện.
Khu vực giếng Chùa, nơi 4 học sinh bị đuối nước.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, đây là khu vực mới được Chi Hội Người cao tuổi thôn Nam Điện tu sửa để phù hợp với cảnh quan của di tích. Giếng có diện tích khoảng 150 m2, độ sâu 2 m, mặt nước trồng hoa súng.

Ông Trịnh Văn Thái cho biết thêm, nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã cử các ban, ngành, đoàn thể và thôn phối hợp với gia đình tổ chức lễ mai táng cho các cháu. Sáng 11/8, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn và Hội Chữ thập đỏ huyện đã đến thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm liên quan đến lứa tuổi học sinh. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn trong việc giáo dục phòng chống tai nạn đuối nước với con em mình.

-ĐQN-
 Bắc Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog vào ngày 15/8/2017
BGQHT - Thông báo của Bộ TT&TT cho biết, căn cứ tình hình triển khai công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, từ ngày 15/8/2017, ngừng phủ sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất (đối với các trạm phát sóng chính) tại 15 tỉnh thành, gồm: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang.

Từ ngày 15/8/2017, ngừng phủ sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất (Ảnh minh họa/ nguồn internet)

Riêng đối với các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại 15 tỉnh nêu trên, thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sẽ được Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Trước đó, Bộ TT&TT cho biết đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 530.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm III, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Việc phủ sóng truyền hình số mặt đất, số lượng kênh người dân có thể thu được từ 26 kênh đến 70 kênh (trong đó có 5 đến 7 kênh truyền hình độ nét cao HDTV), chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt.

Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi nêu trên, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đề nghị các tỉnh nêu trên sớm triển khai phủ sóng DVB-T2; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự; lập kế hoạch rà soát, tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định.
Hình ảnh đầu thu kỹ thuật số mặt đất của Công ty CP DV Viễn Thông Thế Hệ Mới (NGS)

Năm 2016, Bộ TT&TT đã chỉ đạo và ban hành nhiều quyết định về phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2016-2018. Tính đến hết năm 2016, Đề án số hóa truyền hình đã ở đã có 13 tỉnh, thành phố hoàn thành việc chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số theo đúng lộ trình.

"Chất lượng, số lượng các kênh chương trình truyền hình đã được nâng cao rõ rệt, được nhân dân phấn khởi đón nhận. Đây chính là yếu tố lôi cuốn và thúc đẩy nhân dân chủ động chuyển đổi sang thu xem truyền hình số mặt đất". Ban chỉ đạo Đề án số hóa cho biết.
Quý vị nào có nhu cầu mua đầu thu số chất lượng đảm bảo có thể liên hệ admin để được hỗ trợ và cung cấp hàng chính hãng.
Admin tổng hợp
Bắc Giang: Phòng GD&ĐT chỉ định các trường mua bảo hiểm của 4 công ty, không được tự ý chọn ngoài danh sách
[BGQHT] - Theo thông tin của một vị độc giả gửi ý kiến phản ánh về Bắc Giang 24h, Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang chỉ định chỉ 4 doanh nghiệp được phép bán bảo hiểm cho Cán bộ - Giáo viên (CB-GV), học sinh (HS) và tuyệt đối không tham gia bảo hiểm với các công ty mà không có văn bản giới thiệu của Sở và Phòng GD&ĐT.
Chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang cho các trường học trên địa bàn.

Theo như phản ánh của vị độc giả này thì: “Năm học 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra tình trạng Phòng Giáo Dục và Đào tạo Thành phố và các huyện xảy ra tình trạng ép buộc và chỉ định các trường tham gia bảo hiểm thân thể CB-GV và HS đồng thời không cho các trường được lựa chọn doanh nghiệp để tham gia.
- Trong khi đó theo quy định bảo hiểm CB-GV, HS là loại hình tự nguyện nhà trường và phụ huynh được phép lựa chọn cho mình những doanh nghiệp tốt nhất.
- Tôi thấy rất bức xúc và không công bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và cạnh tranh không lành mạnh (Do các doanh nghiệp lớn để lại 5% trên tổng Doanh thu cho phòng Giáo Dục). Có công văn đính kèm.
Vậy rất mong Quý báo vào cuộc vì như vậy phi phạm luật cạnh tranh và kinh doanh bảo hiểm. Vậy rất mong được chia sẻ”.
Chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP. Bắc Giang

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì theo điều 6 Luật cạnh tranh quy định:
Điều 6. Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước
Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:
1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;
3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;
4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.
Đồng thời, ngày 12/8/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 10556/BTC-QLBH gửi các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ yêu cầu: Nghiêm cấm việc sử dụng các biện pháp hành chính như văn bản hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa các sở giáo dục và đào tạo và các DN bảo hiểm... có tính chất áp đặt người tham gia bảo hiểm phải mua bảo hiểm tại một hoặc một số DN bảo hiểm được chỉ định.
Cũng theo đó, tại  Điều 38, Thông tư 124 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm như sau:
1. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.
2. Không được dùng ảnh hưởng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để yêu cầu, ngăn cản hoặc ép buộc đơn vị cấp dưới hoặc những người có liên quan phải tham gia bảo hiểm tại một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài dưới mọi hình thức.
3. Nghiêm cấm việc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tranh thủ uy tín, ảnh hưởng và chỉ đạo dưới mọi hình thức của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để cung cấp dịch vụ bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm.
Bắc Giang 24h sẽ tiếp tục phản ánh, cập nhật vấn đề này. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có ý kiến trả lời về vấn đề mà độc giả phản ánh.