Việt Yên - Bắc Giang: Người dân khổ sở vì xe trọng tải lớn ngang nhiên “cày” nát đường
''Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội, đi lại khó khăn, tiếng động cơ xe tải ồn ã suốt ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống''... đó là những lời than thở của nhiều người dân thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang về đoạn đường chạy qua trước cửa nhà mình.
Xe tải chạy cày xới đường suốt ngày đêm tại đây.

Có mặt tại thôn Đạo Ngạn 2, PV Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, đoạn đường qua thôn xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, bụi bặm, việc di chuyển qua đây gặp khá nhiều khó khăn. Những ngôi nhà của các hộ dân luôn trong tình trạng đóng kín cửa vì đây được cho là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh bụi.

Quan sát bằng mắt thường có thể thấy nguyên nhân khiến đoạn đường này xuống cấp là do những chiếc xe có trọng tải lớn liên tục ra vào bãi tập kết vật liệu xây dựng cách đó không xa ở ven sông Cầu để lấy hàng hóa.

Điều đáng nói, khi chở hàng từ bến bãi ra, hầu hết những chiếc xe nói trên đều có dấu hiệu quá khổ, quá tải, che chắn qua loa làm cho cát sỏi rơi xuống đường, gây bụi bẩn khiến cho nhiều người dân bức xúc.

Theo phản ánh của người dân, những chiếc xe có trọng tải lớn chạy nườm nượp suốt ngày đêm, gây khói bụi, tiếng ồn, thậm chí rất nguy hiểm khi mà những chiếc xe này chạy cắt ngang qua đường tàu hỏa để vào bến bãi.
Đường thì xuống cấp nặng nề, những chiếc xe lớn có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn chạy qua thường xuyên. Nhưng người dân cho biết, rất ít khi thấy lực lượng chức năng xử lý vi phạm của những chiếc xe nói trên.

Trả lời PV về vấn đề này, ông Nguyễn Tài Hải - Chủ tịch UBND xã Quang Châu cho biết: “Những phản ánh của người dân là đúng sự thật. Đoạn đường này là Quốc lộ 1 cũ, năm 2013 được chuyển từ đường Quốc lộ về tỉnh lộ dẫn đến nguồn ngân sách đầu tư không lớn.

"Năm 2018, huyện Việt Yên đã họp và chi vốn đầu tư làm lại đoạn đường này vào quý III, cụ thể tháng 8 sẽ bắt đầu thi công", ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang lo ngại, nếu đường được làm mới mà tình trạng xe trọng tải lớn có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động như hiện nay thì chẳng mấy chốc con đường này lại xuống cấp.

Mong muốn có được đoạn đường đi sạch đẹp là nhu cầu và quyền lợi thiết yếu của người dân, thế nhưng quyền lợi này đang bị những chiếc xe có trọng tải lớn phá nát từng ngày.
Quang Chương - Phú Đô - Văn Khê/Báo TN&MT.
Bắc Giang: “Trận chiến” cướp cầu bùn trong nắng nóng 40 độ C
TTBG - 20 trai làng tranh nhau quyết liệt quả cầu 20 kg dưới trời nắng nóng tại lễ hội vật cầu bùn (Bắc Giang) chiều 26/05 tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà (Việt Yên - Bắc Giang).



Lễ hội vật cầu bùn có từ thế kỷ IV-V tại làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) luôn được khán giả trông đợi do 4 năm mới tổ chức một lần. Lễ hội này được người dân phục dựng từ năm 2000 với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an.
Đặc trưng nhất của lễ hội chính là hội thi cướp cầu. Theo đó, luật chơi của hội vật cầu bùn được tổ chức như sau: tổng cộng có 20 thanh niên trai tráng (20 đấu thủ tham gia thi đấu, trong đó 4 người dự bị bên ngoài. 14 người tranh ở hai đầu, 2 người làm nhiệm vụ giữ lỗ) thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm bốn giáp (mỗi giáp bốn người), bốn giáp lại được chia làm hai đội (mỗi bên tám người) gọi là giáp trên và giáp dưới.
Hội vật được tổ chức trên một sân có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. Ngày 12 đánh hai cầu, ngày 13 đánh ba cầu và ngày 14 đánh bốn cầu.
Quả cầu trong hội vật làm bằng gỗ lim nặng 20kg được lưu truyền trong đình làng từ đời này qua đời khác. Theo tâm linh, mỗi lần cầu được đẩy xuống hố tượng trưng cho đất trời hòa hợp, mưa thuận gió hòa giúp mùa màng bội thu...
Quả cầu vốn tượng trưng cho Mặt trời, nên cướp được cầu là cướp được nắng, mùa màng sẽ bội thu, cây cối xanh tốt và may mắn cho toàn bộ dân làng. Với quan niệm ấy, nên hội vật cầu bùn cho dù đã trải qua hàng bao thế kỷ vẫn luôn được tồn tại, lưu truyền cho hậu thế với tình yêu quê hương, xóm làng của một đất nước với nền văn minh lúa nước.
Trước khi vào trận đấu, các cầu thủ với trang phục đóng khố, cởi trần làm lễ trước sân chùa.
Dưới đây là một số hình ảnh của lễ hội này:

Trước khi vào trận đấu, các cầu thủ với trang phục đóng khố, cởi trần làm lễ trước sân chùa.

Cái lạ của lễ hội này là đấu thủ được thụ lộc ngay sau khi tế lễ xong. Lộc bao gồm hoa quả và rượu – thứ rượu đặc sản chính gốc, được nấu theo công thức đặc biệt của làng Vân, giúp các chàng trai có thêm sức mạnh trước trận đấu

Sau cút rượu lộc khao quân, đội cầu bắt đầu làm lễ tế tại cửa đền trước khi thi đấu. Các động tác tế lễ khá đặc biệt, theo phong cách giống như những "chiến binh" trên sới vật .

Quả cầu thiêng nặng 20 kg được làm từ gỗ được thỉnh từ trên bàn thờ Thành hoàng xuống để chuẩn bị cho trận đấu. 

Các chiến binh xếp hàng đôi, đối diện nhau, sau đó, mỗi đội cử ra một cặp đấu vật với nhau xem ai thắng nghĩa là đội đó được giao cầu trước.

Sân đình rộng hơn 200 m2 được đổ đầy đất bùn. Bùn ở đây được kiểm tra kỹ càng, nước không được quá nhiều (sẽ bị ướt), hoặc quá ít (sẽ bị khô). Hai đầu sân có hai lỗ sâu gần 1 m, rộng nửa mét. Các đấu thủ ôm cầu đẩy xuống hố.

Trận đấu bắt đầu lúc 14h với sự giao tranh quyết liệt của hai đội. Có tổng cộng 20 đấu thủ tham gia thi đấu, trong đó 4 người dự bị bên ngoài. 14 người tranh ở hai đầu, 2 người làm nhiệm vụ giữ lỗ.

Sân trơn trượt do bùn, nhiều lúc muốn bảo vệ cầu phải bưng cả cầu thủ đội mình lên cao. 

Trận đấu rất hấp dẫn, nhiều kịch tính, trong tiếng trống thúc giục lúc khoan thai, lúc dồn dập. 


Lễ hội diễn ra giằng co, quyết liệt, có nhiều tình huống đấu thủ chạy xô cả vào đám đông. Khán giả nào có kinh nghiệm thì chuẩn bị sẵn áo mưa che tránh bùn bắn lên người. 

Đội nào ghi điểm trước là cuộc đấu sẽ được ngưng lại. Các cầu thủ được nghỉ ngơi sau đó lại vào trận tiếp, đội nào ghi được 2 điểm trước sẽ giành chiến thắng.


 Ảnh: Zing.vn
Chiều tối nay 26/05 miền Bắc mưa giông
TTBG - Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén qua Bắc Bộ nên từ chiều tối nay (26/5) ở Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác. Từ đêm nay đến hết đêm mai (27/5) ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông nhiều nơi.
Chiều tối nay, khả năng miền Bắc xuất hiện mưa giông. (Ảnh minh họa: Nguyễn Dương)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay (26/5), rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-27 độ vĩ Bắc tiếp tục bị nén bởi áp cao lục địa ở phía Bắc.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén qua Bắc Bộ nên từ chiều tối nay (26/5) ở Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác. Từ đêm nay đến hết đêm mai (27/5) ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông nhiều nơi. Trong cơn giông có khả năng cao xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Về thông tin nắng nóng, ngày hôm qua (25/5), nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng ở Hòa Bình, Sơn La, phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C như: Hòa Bình 37.3 độ, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 37.5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37.6 độ C.

Dự báo: Do ảnh hưởng của rìa nam rãnh áp thấp bị nén với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên ngày hôm nay (26/5) nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực phía Đông Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16h.

Khu vực Hà Nội: Trời nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày hôm nay phổ biến 35-37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12h - 16h. Từ chiều tối nay có khả năng xảy ra mưa rào và giông; trong cơn giông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ ngày 27/5, nắng nóng chấm dứt ở Bắc Bộ và giảm dần ở các tỉnh Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.


Theo Nguyễn Dương/ Dân Trí
Bắc Giang: Phun thuốc diệt cỏ lên chỗ phơi mỳ gạo Kế?
TTBG - Trước thông tin bạn đọc phản ánh một số người dân làm mỳ ở phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) dùng thuốc phun lên các bãi đất trống diệt cỏ sau đó phơi mỳ lên trên, phóng viên Báo Bắc Giang đã tìm hiểu thực tế tại đây.
Người dân Tổ dân phố Phú Mỹ 2 phơi mỳ ở bãi đất trống và đoạn đường vắng.

Khoảng 10 giờ ngày 22-5, đúng vào lúc nắng gay gắt, chúng tôi chạy xe máy qua các con phố như Anh Thơ, Anh Thơ 2, Anh Thơ 4, Thanh Niên và các đường nhánh thuộc tổ dân phố Phú Mỹ, Phú Mỹ 2 (phường Dĩnh Kế). Tại những nơi đi qua, nhiều người dân đang hối hả thu các giàn mỳ đã phơi từ đầu giờ sáng để tránh nắng gắt, bảo đảm bánh tráng khô vừa đủ độ. Hầu hết các khoảng trống như mặt đất đã được san nền phân lô làm khu dân cư chưa xây dựng công trình, ven đường thậm chí cả mặt đường đi, hè đường quanh tường bao công viên Hoàng Hoa Thám, bờ cỏ… được người dân tận dụng để phơi bánh hoặc mỳ đã thái sợi. Các bãi đất trống diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông đều có cắm cọc, buộc néo thanh tre, gỗ thô sơ nối dài làm giá đỡ để gác các giàn mỳ. Ở đôi chỗ, người làm mỳ chỉ cần gác các giàn bánh lên bó vỉa hoặc tường rào công viên. Một số hộ dân đóng các giá gỗ đặt trên mặt đường để có thể phơi bánh và di chuyển dễ dàng.

Không trực tiếp chứng kiến người dân phun thuốc song theo quan sát của phóng viên, nhiều khu đất trống, nhất là khoảng trống đã san nền cỏ mọc nhiều (ở cả tổ dân phố Phú Mỹ và Phú Mỹ 2) đều có hiện tượng cỏ bị chết cháy vàng hoặc khô trắng, có chỗ thâm đen (tùy loại cỏ). Đặc biệt, cỏ chết cháy vàng cả loạt tại khu vực đất trống rộng hàng nghìn mét vuông thuộc tổ dân phố Phú Mỹ. Gần như trên toàn bộ diện tích này đều cắm cọc, bắc giá dùng để gác giàn phơi mỳ.

Ven tường bao công viên Hoàng Hoa Thám phía giáp đường Thanh Niên và một đoạn bờ dọc con đường này cỏ cũng chết trắng một cách bất thường. Khi được hỏi về hiện tượng cỏ chết khô hàng loạt, những người dân đi thu mỳ đều trả lời qua quýt rằng đấy là do người ta “trị cỏ”, cỏ bị cắt, phát dọn, gặp nắng nên khô lại hoặc do bị chân người giẫm lên hằng ngày. Nhưng quan sát thực tế hoàn toàn không có dấu hiệu cỏ bị phát hoặc cắt như lời một số người dân nói.
Bãi đất trống cỏ bị khô cháy có các giàn để gác mỳ

Tìm gặp bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng tổ dân phố Phú Mỹ 2, bà cho biết cả tổ có 180 hộ thì hiện có hơn 40 hộ làm mỳ. Bà Dung cũng khẳng định các hộ sản xuất mỳ tại đây đã chú ý hơn đến khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng hàn the và chất tẩy trắng. Người dân cũng chọn nơi khô ráo, sạch sẽ để phơi bánh. Việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi, lãi khoảng 500 đến 700 nghìn/tạ gạo, không cao như trước kia song công việc và thu nhập của người làm nghề tương đối ổn định. Mấy năm trước đây, khi còn đất canh tác, người dân có dùng thuốc trừ cỏ để dọn ruộng trồng đào và một số cây trồng khác chứ không khi nào dùng thuốc trừ cỏ để dọn bãi phơi mỳ.

Khi làm việc với ông Nguyễn Văn Chúc, Tổ trưởng tổ dân phố Phú Mỹ, ông cho biết gia đình cũng làm mỳ và là thành viên HTX Mỳ Kế. Với vai trò tổ trưởng tổ dân phố và thành viên HTX, ông thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo người dân tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Vừa rồi có thấy một vài hộ dân phun thuốc, ông đã nhắc nhở, yêu cầu họ không được phơi mỳ lên trên diện tích mới phun đồng thời cảnh báo nếu vi phạm sẽ lập biên bản. Họ nói phun xong để đấy, sau này dọn sạch mới sử dụng tiếp diện tích đất đó.
Dẫn phóng viên đi quanh khu đất rộng phủ lớp cỏ khô vàng ước hàng nghìn mét vuông nói trên, ông Chúc nói trước đây hộ ông Giáp Văn P có phơi mỳ nhưng nay đã nghỉ làm mỳ chuyển sang bán hàng ăn, không phơi nữa. Khu đất này ông P phun thuốc diệt cỏ để nay mai trồng cây. Đó là vào buổi trưa 22-5. Còn vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 23-5, khi phóng viên đến đây, nhiều chỗ trên khu đất này đã được người dân phơi mỳ kín bên trên.

Trao đổi về vấn đề này chiều ngày 22-5, bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, Chủ tịch UBND phường Dĩnh Kế cho biết hiện chưa nắm được thông tin về việc người dân phun thuốc diệt cỏ gần nơi phơi mỳ. Nghề sản xuất mỳ của phường tương đối ổn định với khoảng 250 hộ làm nghề; chính quyền phường và các cơ quan chức năng của TP rất quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất để tạo lập, giữ vững thương hiệu, nhất là chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, bao gói, nhãn mác. Lãnh đạo phường sẽ làm việc với tổ trưởng tổ dân phố Phú Mỹ, Phú Mỹ 2, một số tổ có hộ dân làm mỳ và HTX Mỳ Kế để kiểm tra, cảnh báo.

Mỳ gạo Dĩnh Kế vốn là sản phẩm được ưa chuộng, nổi tiếng đã lâu, đem lại việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân. Để giữ vững uy tín đối với người tiêu dùng, trước tiên, người sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Có hay không việc người dân phun thuốc diệt cỏ ở bãi phơi mỳ, việc phun thuốc đã đủ thời gian cách ly để bảo đảm an toàn hay chưa? Chính quyền phường Dĩnh Kế và cơ quan chức năng của TP cần sớm kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng (nếu có) để khuyến cáo, ngăn chặn sản phẩm thiếu an toàn đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường.
 Theo Nhóm PV Báo Bắc Giang điện tử


Việt Yên (Xã Vân Hà) thôn bán đất trái luật thu tiền tỷ
TTBG - Liên quan đến việc giao thầu đất trái thẩm quyền, một số cán bộ cơ sở ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã phải hầu tòa. Bài học ấy dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Năm 2017, tình trạng cán bộ thôn bán đất công vẫn xảy ra tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà.

Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp “biến” thành đất ở
 
Một hộ dân mua đất nông nghiệp của Ban Quản lý thôn Yên Viên đang đổ cát, tân nền để xây dựng nhà.
Từ thông tin tố cáo của người dân, phóng viên Báo Bắc Giang đã điều tra, phát hiện giai đoạn 2013- 2017, Ban quản lý thôn Yên Viên, xã Vân Hà bán hơn 2.700 m2 đất nông nghiệp, ao hồ thuộc quản lý của xã (chủ yếu là ao hồ quanh thôn, xen kẹp trong khu dân cư) cho gần 20 hộ làm đất ở lâu dài, thu gần 2 tỷ đồng. Trong đó, diện tích lô nhỏ nhất khoảng 45 m2, lớn gần 400 m2. Một số vị trí sau khi mua, người dân đã san nền, đổ đất, xây dựng lán chăn nuôi, tập kết vật liệu xây dựng. Ông Diêm Đăng Lạc, thôn Yên Viên lo lắng nói: “Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, để các hộ xây xong nhà ở, việc khắc phục hậu quả càng khó khăn”.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Hồng, nguyên Trưởng thôn Yên Viên giai đoạn 2013 - 2017 thừa nhận có việc bán đất trên và cho biết: Đó là chủ trương từ chi bộ và sự nhất trí của người cao tuổi thôn nên chúng tôi mới làm (có bản sao nghị quyết của chi bộ và biên bản họp). Toàn bộ số tiền thu được từ bán đất, thôn Yên Viên đã đưa vào xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương như: Đình chùa, giao thông nội đồng, kênh mương, phòng học của Trường tiểu học số 1 Vân Hà...

Kiểm tra các giấy tờ, văn bản của các hộ dân mua đất của thôn Yên Viên, chúng tôi nhận thấy phần lớn số đất thôn bán trái thẩm quyền diễn ra từ năm 2014 - 2017, nhiều diện tích mới bán giữa năm 2017 (?!). Đáng chú ý, trong một số biên bản giao đất trái luật, ngoài chữ ký của ông Nguyễn Đức Hồng và các phó thôn còn có chữ ký của cán bộ địa chính và một cán bộ lãnh đạo đoàn thể xã Vân Hà (?!).
Một biên bản giao thầu đất ao lâu dài cho công dân của Ban quản lý thôn Yên Viên.

Tiếp tục kiểm tra làm rõ vi phạm

Hiện Thanh tra huyện Việt Yên đang xác minh làm rõ những sai phạm trong quản lý đất đai tại thôn Yên Viên. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hội, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, xã đã ban hành quyết định thu hồi các biên bản giao đất trái luật của Ban quản lý thôn Yên Viên.

Ngoài vi phạm trên, công dân còn phản ánh lãnh đạo UBND xã tự ý giao khoán hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp ở khu đồng Xăng Cao cho cá nhân lấy đất sản xuất gạch không đúng quy định. Qua xác minh cho thấy nội dung người dân nêu là có cơ sở. Được biết, khu đồng Xăng Cao là khu đất công ích do UBND xã quản lý. Một vị lãnh đạo xã cho hay, khu đồng này cao nên sản xuất nông nghiệp khó khăn. Vì thế năm 2011, UBND xã đã ký hợp đồng giao khoán cho hộ ông Đỗ Viết Định, thôn Yên Viên cải tạo đất bằng hình thức hạ đất xứ đồng này. Diện tích khoán cải tạo 6,8 mẫu đất nông nghiệp (gần 24,5 nghìn m2). Chiều sâu cải tạo tính từ ruộng cao nhất trở xuống là 1,2 m. Thời gian cải tạo ba năm, bắt đầu từ 15-1-2011 đến hết năm 2013. Theo hợp đồng, ông Định phải nộp UBND xã 272 triệu đồng. Đổi lại, bên nhận khoán được lấy đất từ khu đồng để sản xuất gạch thủ công. Theo người dân phản ánh, quá trình cải tạo đất, ông Định đã hạ đất sâu hơn mức cho phép.

Đối chiếu với quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, các văn bản luật liên quan; Quyết định số 147 của UBND tỉnh ban hành Quy định hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công thì việc UBND xã Vân Hà cho cá nhân hạ hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp đưa vào sản xuất gạch là sai quy định. Để được khai thác đất sản xuất gạch, ngói thủ công, cá nhân, tổ chức phải thực hiện trình tự, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép theo quy định của pháp luật.

Đề nghị cơ quan chuyên môn huyện Việt Yên tiếp tục làm rõ sai phạm của UBND xã Vân Hà trong việc giao thầu đất ở xứ đồng Xăng Cao; việc giao bán đất trái thẩm quyền tại thôn Yên Viên và các thôn khác để kịp thời ngăn chặn. Cùng đó, kiến nghị UBND huyện áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu; có biện pháp xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm; quan tâm kiểm tra việc sử dụng tài chính trong xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương.


Nhóm PV Bạn đọc Báo Bắc Giang điện tử