BGQHT - Phú Cường, Đồng Cờ, Hội Phú, Đồng Khanh, Vân Ngò, Cầu Đá… những tên
làng ở xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) mà cha ông đặt cho với bao kỳ vọng,
mong ước về một cuộc sống sung túc đã bị cơn lốc ma túy quét qua, nhường chỗ
cho những biệt danh nghe hãi hùng: Thủ phủ ma túy, làng tử tù, thế giới tội lỗi.
Lần này đến, dù biết Ngọc Vân từng nổi tiếng với “cái chết trắng” nhưng cảm
giác đó đã không còn bủa vây, mọi thứ nơi đây đã khác.
Ma túy (ảnh minh họa) |
Hạ nhiệt điểm nóng
Có một thời, khi nhắc đến những địa
danh trên, nhiều người thấy sợ hãi, sợ đến nỗi mà người ngoài không dám bén mảng
đến Ngọc Vân. Người quê Ngọc Vân đi ra ngoài cũng giấu nhẹm về quê hương gốc
gác của mình. Nhưng những ngôi nhà xưa hiu quạnh tiêu điều, vài căn biệt thự bỏ
hoang do chủ nhân dính đến ma túy bị tử hình hay ngồi bóc lịch trong trại giam
giờ đã có người ở, sân thềm sạch sẽ, vườn tược rợp bóng cây xanh.
Làng quê xã Ngọc Vân. |
Đại úy Hoàng Anh Tuấn, điều tra
viên Công an huyện Tân Yên đưa chúng tôi rong ruổi qua các xóm làng bằng xe máy
công biển số xanh do Bộ Công an trang bị, vừa đi anh vừa vui vẻ nói: "Trước
kia đố người lạ nào dám đến Ngọc Vân mà không có công an đi kèm, bị theo dõi,
“hỏi thăm” ngay tức khắc, rắc rối lắm. Nay chị cứ phóng xe máy đi thoải mái chả
có ai hỏi đâu. Các công ty mọc lên rất nhiều ở Ngọc Vân, công nhân các xã lân cận
đến đây làm khá đông".
Nghe Tuấn nói thế tôi tạm yên tâm
nhưng trong thâm tâm vẫn có chút lo lắng, bởi ai cũng biết đã dính đến ma túy
thì một là sống, hai là chết mà phần lớn là chết nên các đối tượng xấu rất dễ
làm liều. Nhìn vào danh sách 257 đối tượng quê Ngọc Vân bị bắt và kết án vì ma
túy trong 10 năm qua mà Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Đoan cung cấp, tôi không
khỏi rùng mình, “nam phụ lão ấu” đủ cả. Đáng sợ là có đến mấy chục án chung
thân và tử hình, còn cỡ bóc lịch hơn chục năm thì nhiều vô kể. “Đây chỉ là những
con số thống kê sơ bộ do chúng tôi tự tìm hiểu, chứ khi tuyên án, Tòa không gửi
cho địa phương biết số lượng bản án cũng như mức án của từng đối tượng”- Anh
Đoan thông tin.
Mấy năm qua, câu chuyện “dập dịch
ma túy” ở Ngọc Vân được nhắc đến nhiều tại các diễn đàn, cuộc họp về phòng, chống
ma túy ở T.Ư và địa phương. Đại tá Bùi Huy Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra
tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) cho hay: Kể từ năm 2012, khi Tổng cục Cảnh
sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) ban hành Kế hoạch 1781 nhằm giải quyết
tình hình phức tạp về ma túy tại xã Ngọc Vân, điểm nóng này nay đã dịu đi nhiều.
Ba năm qua, khi điều tra khám phá các chuyên án ma túy lớn với số lượng tính bằng
bánh heroin đều vắng bóng đối tượng quê Ngọc Vân.
Do có sự chỉ đạo quyết liệt,
nghiêm túc, trách nhiệm từ Bộ Công an cùng các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh
đến cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ với địa phương trong tuyên truyền, đấu tranh
nên nhận thức của người dân về tác hại cũng như hệ lụy của ma túy được nâng lên
rõ rệt. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc địa bàn, hiểu rõ đối tượng, cấp
trên cử cán bộ xuống nằm vùng nên tình hình an ninh trật tự chuyển biến tích cực.
Chính quyền và Công an xã thường
xuyên rà soát, lập danh sách cụ thể những đối tượng khả nghi, phân công cán bộ
nắm bắt mọi di biến động của đối tượng, đồng thời báo cáo cụ thể, rõ ràng tình
hình lên cấp trên để có hướng đấu tranh. Thống kê cho thấy, số đối tượng bị bắt
vì ma túy những năm gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2012 có 12 đối tượng;
năm 2013, 2014 mỗi năm có 6 đối tượng; năm 2015 bắt 9 đối tượng, năm 2016 bắt 3
đối tượng và từ đầu năm 2017 đến nay bắt 5 đối tượng.
Làm việc với ông Dương Ngô Khoát,
Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân, ông cho biết: "Hơn 20 năm công tác tại xã, chưa
bao giờ tôi nghĩ rằng có một ngày Ngọc Vân lại được huyện xét duyệt, thẩm định
để đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, chung quy cũng tại tệ nạn ma
túy. Vậy mà chúng tôi đã phấn đấu, dự kiến đầu năm 2018 xã sẽ hoàn thành các
tiêu chí đạt chuẩn".
Mầm xanh đang lên
Chiều cuối tuần, từng tốp công
nhân may Công ty TNHH Intermax Việt Nam đóng tại thôn Làng Sai, xã Ngọc Vân tan
ca, tỏa về khu chợ gần đó mua hàng. Ở một góc chợ, bà Lê Thị Ánh (SN 1947)
nhanh miệng mời chào khách mua cá mắm. Năm 2005, con trai bà là Ninh Văn Hùng
(SN 1982) bị bắt và kết án chung thân vì xách ma túy. Con vào tù, sạp bán cá mắm
giờ là cần câu cơm của ba bà cháu trong đó có hai đứa con của Hùng.
Nhắc đến đứa con tội lỗi, bà ứa
nước mắt: “Bố nó mất sớm, để lại cho tôi 5 đứa con thơ 3 trai 2 gái. Những tưởng
con lớn lên tôi sẽ được nương nhờ, phụng dưỡng, ai ngờ nó đi làm cái việc thất
đức ấy, giờ đi tù, nhục lắm. Vợ nó cũng bỏ đi thỉnh thoảng mới về thăm nhà.
Nhưng con dại cái mang, giận con mà cũng thương con, thương cháu. Giờ tôi cũng
chỉ biết buôn bán nhỏ lẻ thế này để có tiền nuôi hai đứa cháu ăn học. Tôi vẫn động
viên chúng đừng bỏ học”.
Bà Lê Thị Ánh hằng ngày tảo tần bên sạp cá mắm nuôi hai cháu ăn học. |
Chúng tôi cùng cô giáo Dương Thị
Hải, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngọc Vân đến nhà bà Ánh ở thôn Làng Thị. Ngôi
nhà không có nhiều đồ đạc, khá vắng vẻ nhưng sạch sẽ, trên tường treo nhiều giấy
khen của nhà trường. Hai đứa cháu Ninh Văn H (SN 2004) và Ninh Thị D (SN 2005),
lớp 7B cũng vừa đi học về. "H học kém, bị đúp một năm nên xuống học cùng
em, còn em gái D năm nào cũng là học sinh tiên tiến”- cô Hải giới thiệu. Được
biết ở Trường THCS Ngọc Vân có một “Quỹ bầu bạn” được thành lập khá lâu nhằm hỗ
trợ, thăm hỏi học sinh có cha mẹ đi tù vì ma túy. “Mấy năm nay, Quỹ này hoạt động
cũng “kém hiệu quả” vì nhiều gia đình bố mẹ các em đều đã mãn hạn tù trở về làm
ăn lương thiện”- cô Hải thông tin thêm.
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Tuyến (SN
1984) ở thôn Hội Dưới, xã Ngọc Vân có chồng là Nguyễn Thế Hải (SN 1980) ở cùng
thôn bị bắt năm 2009 và lĩnh án tử hình do liên quan đến vụ vận chuyển 8 bánh
heroin. Không giống như phần lớn những người vợ cùng cảnh ngộ ở Ngọc Vân có chồng
bị kết án tử hình vì ma túy, chị Tuyến lại khá cởi mở khi tiếp xúc với tôi. Chị
bảo: “Anh ấy bị tiêm thuốc độc vào ngày 25/6/2016, vụ ấy có 4 người đều bị tử
hình. Gia đình em đã xin nhận thi thể về an táng tại quê để dễ dàng hương
khói”.
Không muốn khơi lại nỗi đau của
chính bản thân và gia đình chị, tôi hỏi về những đứa con. 17 tuổi chị lấy chồng,
sau 4 năm sinh liền 3 đứa con. Cháu đầu 16 tuổi, út 13. Cả ba đứa vẫn đi học
bình thường. Chị Tuyến cũng xác định không đi bước nữa, toàn tâm toàn ý nuôi
con. Hằng ngày, chị đi xe máy xuống TP Bắc Giang bán quần áo thuê. Cuộc sống vất
vả nhưng chị tự nhủ phải luôn cố gắng, làm chỗ dựa cả vật chất và tinh thần cho
con. Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Đoan còn giới thiệu với tôi rất nhiều gia
đình nữa có người liên quan đến ma túy nhưng họ quyết tâm khắc phục khó khăn
nuôi con, cháu ăn học, không đi theo “vết xe đổ” của cha hay mẹ chúng.
Nhờ những nỗ lực, quyết tâm của
các cấp chính quyền và nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, nỗi
đau bởi ma túy ở Ngọc Vân đang dần nguôi ngoai. Mong sao những làng, xóm nơi
đây sẽ sớm được gọi đúng tên như cha ông đã đặt. Sự ám ảnh về ma túy sẽ không
còn đeo bám con em Ngọc Vân thêm nữa.
Theo Thu Phong/Báo Bắc Giang điện tử (Admin chỉnh sửa bổ sung)